Hồn quê trong những phiên chợ Tết

10:39, 13/02/2024

BHG - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người ta thường tìm về với những giá trị văn hóa cội nguồn tại làng quê để có thể cảm nhận những hương vị quen thuộc, được hòa vào không khí ấm áp, náo nức cảm nhận âm hưởng của mùa Xuân trong những phiên chợ Tết.

Chợ phiên xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) thường họp vào Chủ nhật hàng tuần, nhưng các phiên chợ Tết thường được diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, phiên chợ chỉ diễn ra trong buổi sáng và kéo dài khoảng 3 – 4 tiếng nhưng đối với người dân ở đây là phiên chợ đặc biệt, mang Tết về với làng. Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn để thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Từ mọi ngả đường dẫn vào chợ phiên luôn tấp nập và nhộn nhịp người mua, người bán. Thậm chí, phiên chợ còn thu hút cả du khách nước ngoài, họ đi để tận hưởng không khí đón Tết rộn ràng chỉ có ở chợ Tết Việt Nam.

Người dân mua sắm những mặt hàng cần thiết cho ngày Tết.
Người dân mua sắm những mặt hàng cần thiết cho ngày Tết.

Những ngày giáp Tết, chợ phiên ở các làng quê diễn ra sôi nổi. Nét đặc trưng của chợ quê là tính tự cung, tự cấp. Hầu hết những món hàng được bày bán đều do người nông dân tự tay làm ra. Cũng có các tiểu thương buôn bán chuyên nghiệp hơn với những sạp hàng cố định nhưng số đó không nhiều. Đôi khi họ quẩy hàng đi chợ Tết chỉ để bán mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi, trái hồng, mấy mớ trầu không và buồng cau hái ở vườn nhà; có khi lại là mấy cái rổ, cái rá tự đan bằng tre, nứa, vài con gà... Họ bán thứ mình có và mua những thứ mình cần, cứ như thế, người dân quê đi chợ đôi khi đóng vai cả người bán và người mua.

Có thể nói, Tết ở nông thôn phong vị bao giờ cũng đậm đà hơn ở thành phố, bởi lẽ làng xã là nơi ấp ủ và trao truyền qua biết bao thế hệ những tục đẹp, thói hay, tạo thành văn hóa làng quê đầy tình nghĩa và rất mực nhân văn. Tết Nguyên đán, Tết lớn nhất trong năm của người Việt thì những nét đẹp đó được thể hiện rõ nét, dẫu mỗi làng quê, mỗi vùng miền đều có nét riêng.

Người dân bày bán những sản phẩm truyền thống.
Người dân bày bán những sản phẩm truyền thống.

Ở độ tuổi 60, bà Nguyễn Thị Thuyết ở xã Phương Độ vẫn giữ nếp sinh hoạt đi chợ Tết hằng năm. Dù có đi đâu, làm gì, ngày giáp Tết bà cũng trở về để có mặt trong vài buổi chợ. Đi chợ, có lúc để bán hoặc không có gì bán, cũng chẳng mua sắm gì nhiều nhưng đi để được ngắm nhìn, để được lắng nghe chút không khí của ngày Tết.

“Nhớ mãi hồi bé, tôi rất thích theo mẹ đi chợ Tết. Mỗi lần đi, bao giờ tôi cũng tay xách nách mang theo mẹ đủ thứ, mệt nhưng vui lắm. Thường thì Tết nào chúng tôi cũng phải đi mất vài ba bận mới mua sắm hết các thứ cần thiết. Đi chợ Tết cũng khá vất vả vì người mua đông hơn so với ngày thường, phải chen nhau. Giá cả ngày Tết có tăng nhẹ nhưng phù hợp và người mua cũng chấp nhận được nên rất ít khi mặc cả với nhau” – bà Thuyết chia sẻ.

Nhịp sống hiện đại đã mang đến những cái Tết khác nhau, cách chơi Tết khác nhau. Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ số đã giúp người nội trợ có thể đi chợ online tiện lợi và đỡ vất vả hơn. Vì thế việc chuẩn bị mua sắm Tết cũng trở nên dễ dàng hơn. Đủ loại mặt hàng được bán trên chợ online, từ nông sản, thủy sản, quần áo, bánh kẹo... Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều và có thể mua bất cứ lúc nào, giờ nào. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, cả một siêu thị sẽ “thu nhỏ” trước mắt người mua. Sản phẩm được chuyển đến tận nhà sau vài giờ hoặc vài ngày.

Chị Nguyễn Thị Oanh, xã Phương Độ, cho biết: “Bây giờ, thời buổi công nghệ, người ta mang hàng hóa đến tận nơi, chúng tôi chỉ cần ngồi ở nhà mua sắm trên mạng. Tuy nhiên, chợ Tết thì khác. Đi chợ Tết đã thành nếp của gia đình chúng tôi. Dù ai đi đâu, làm gì, giáp Tết cũng trở về để có mặt trong những phiên chợ. Có thể chẳng mua sắm gì cũng đi để được ngắm nhìn, để được lắng nghe chút không khí của ngày xưa…”.

Có thể thấy, dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay làm mới dần những nếp sinh hoạt nơi làng quê, thành thị. Thế nhưng, những phiên chợ Tết, chợ Xuân vẫn rất “xưa” trong lòng mỗi người. Từ những phiên chợ này, nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người để từ đó hướng về cội nguồn với sự tri ân, biết ơn các thế hệ đi trước, để giữ gìn phong tục tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bài, ảnh:  NGUYỄN YẾM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhộn nhịp chợ phiên ngày giáp Tết ở Cốc Pài
BHG - Khi những cánh hoa đào bắt đầu bung nở trên những cung đường uốn lượn theo sườn núi, đó cũng là thời điểm báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Không khí Tết cổ truyền đang dần xuất hiện ở mọi nơi, từ vùng núi cao đến đồng bằng, từ miền xuôi lên miền ngược. Đến với Xín Mần, hương vị ngày Tết không chỉ trong tư tưởng mỗi người mà còn cảm nhận rõ hơn ở những phiên chợ vùng cao.
29/01/2024
Hoa đào bên bờ rào đá
BHG - Mùa Xuân về trên Cao nguyên đá là khi đất trời cùng tấu lên bản giao hưởng của những loài hoa. Giữa bạt ngàn đá xám là không gian ngập tràn sắc hương. Sau một năm ẩn mình, chắt chiu nhựa sống, các loài hoa cùng hẹn nhau bung nở rực rỡ cả khung trời. Trong bản giao hưởng ấy là những nốt nhạc chứa màu hồng thắm của hoa đào; màu trắng của hoa lê, mơ, mận; màu hoa Tam giác mạch đa sắc trong mỗi khoảnh khắc giao thoa.
12/02/2024
Năm Thìn nói chuyện Rồng quê núi
BHG - Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, mười hai con giáp đặt tên mười hai năm theo cách tính Can, Chi của các cụ từ thuở xưa đặt truyền. Năm 2024 là năm con Rồng, là năm Thìn. Đầy đủ Can, Chi là năm Giáp Thìn.
11/02/2024
Mùa hoa trên núi
BHG - Lâm chuẩn bị xe máy để có một chuyến đi khá đặc biệt. Trước đó anh nói với người dì ruột nuôi anh từ nhỏ: “Dì ơi, năm nay dì cho con lên ăn Tết với nhà em Phin nhé”. Một lát dì Hạ mới nói chậm rãi: “Con đã lớn, đi học chuyên nghiệp rồi, nhưng con đi lên nhà em Phin dì vẫn lo đủ đường. Mà con đã hỏi bố mẹ Phin chưa?”. “ Hai bác ấy đã đồng ý rồi dì ạ”, Lâm đáp.
11/02/2024