Truyền thuyết về cây đại thụ” – Tả Sử Choóng
BHG - Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì) là xã chỉ có dốc và dốc, đồi núi tít trên cao hàng ngàn mét so với mặt nước biển, khe suối chảy từ đỉnh núi xuống tận dưới sâu tới vài trăm mét tạo ra địa hình thật là dốc. Đỉnh núi ngày xưa toàn rừng xanh bao bọc các dông đồi từ cao xuống thấp; từ tập tục du cư phá rừng làm nương của người dân nơi đây những năm của thế kỷ trước, rừng xanh biến thành đồi trọc; và rồi các sườn đồi được khai phá thành ruộng bậc thang để đổi thay cuộc sống du canh, du cư thành định cư, định canh cho đến ngày hôm nay.
Một địa hình như thế mà có tên làng bản theo tên gọi của một loài cây đặc biệt, đến khoảng thế kỷ 19 còn một cây đặc biệt thân to và cao ngút trời, người dân gọi là Tả Sử Choóng nghĩa là (cây đại thụ) cây to, như cắm đứng ở đất này. Cái tên xã Tả Sử Choóng được xuất hiện sau khi chia tách với xã Tân Tiến và được lấy theo tên của thôn Tả Sử Choóng. Từ đó đến nay có tên trong các sử sách của Đảng và Nhà nước đến chính quyền địa phương.
Người dân xã Tả Sử Choóng bắt cá chép ruộng. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG |
Là người thích tìm hiểu lịch sử theo tên gọi, tôi thấy tên gọi thì vừa khó, vừa dễ và cây to đó là cây gỗ gì, có thật hay là huyền thoại thành truyền thuyết. Được lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì tạo điều kiện, tôi và Phó Văn phòng Huyện ủy Đinh Văn Quế cùng ông Hoàng Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Tả Sử Choóng dành thời gian trực tiếp tìm hiểu về địa danh Tả Sử Choóng và tìm hiểu mối liên hệ giữa 2 địa danh Tả Sử Choóng (cây đại thụ) và Hoàng Su Phì (vỏ cây vàng) có gắn liền với nhau không. Quá trình tìm hiểu chúng tôi được gặp ông Chú Dỉ Lìn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tả Sử Choóng là cháu ruột của ông Chú Seo Khằng, người thọ 100 tuổi (mất năm 1993) và được ông Lìn cho biết: “Tôi được nghe ông tôi kể là trước ông 7 đời còn có người được nhìn thấy và biết cây đó đổ, vì cây này rất to và cao, dân tình bàn tán rằng cây này chắc còn cao đến tận trời, chắc vì thế ông trời mới làm cơn bão to làm cây bật gốc rễ và đổ ngang ra dông đồi Ngàm Đăng Vài, cây gẫy và vỏ, gỗ vụn tung lên trời tạo thành một mảng sáng vàng nhiều người nhìn thấy, do đó có cơ sở có mối liên hệ mật thiết giữa 2 địa danh Tả Sử Choóng và Hoàng Su Phì. Chúng tôi hỏi địa điểm gốc cây ở đâu thì ông Lìn nói: “Ở gần nhà ông Giàng Seo Pùa, thôn Tả Sử Choóng”. Có thể như thế, cây đại thụ là có thật trên vùng đất Tả Sử Choóng và truyền thuyết đã dựa vào tích nêu trên. Tìm đọc trong quyển Kiến văn Tiểu lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết những năm 1750 - 1777 thời đó chưa xuất hiện tên gọi Hoàng Su Phì ở vùng đất phía Tây tỉnh Hà Giang, từ đó khẳng định thời gian cây Tả Sử Choóng đổ là cuối những năm 1780 đến đầu thế kỷ 19 (1800). Theo cụ Chú Seo Khằng kể thì trước cụ 7 đời, tôi cộng thêm 3 đời từ ông Khằng đến ông Lìn nay đã ngoài 60 tuổi, tức là cây đổ đến nay đã 10 đời người (đời theo nghĩa đời bố, đời con) thế hệ trước cách thế hệ sau 20 tuổi thì 10 thế hệ 200 năm.
Ruộng bậc thang xã Tả Sử Choóng. Ảnh: YÊN HOA |
Tôi tìm người biết tiếng Hán nhờ dịch và được biết Tả Sử Choóng có nghĩa là cây đại thụ. Từ đại thụ không phải tên loài cây mà ám chỉ cây to, sống lâu thành đại thụ, có người nói rằng có thể đó là cây Ngọc am. Lý do là cây Ngọc am người ta cho rằng Ngọc am là giống cây to và cao hàng chục mét, thẳng đứng mà Ngọc am chỉ thật lâu năm và thật to thì lõi mới có giá trị, bền lâu do đó Ngọc am có thể là cây đại thụ ở Tả Sử Choóng. Mà Hoàng Su Phì cũng đã được nhiều người chứng minh đây chính là vùng đất của những cánh rừng Ngọc am khi xưa.
Triệu Đức Thanh
Ý kiến bạn đọc