Thượng Sơn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
BHG - Thượng Sơn là xã vùng cao của huyện Vị Xuyên, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 99%. Những năm qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, xã chú trọng bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xã Thượng Sơn có 1.265 hộ, 5.919 nhân khẩu, với 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Cờ Lao chiếm 2%, Dao 65%, Tày 22%, Mông 8%, Nùng 1%, dân tộc khác 2%. Mỗi dân tộc có lịch sử phát triển riêng, ngôn ngữ riêng, có những hoạt động kinh tế, văn hóa đặc thù, phong tục tập quán riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú. Địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc ở đây là những làng, bản tương đối nhỏ, dựa vào các chân núi. Đời sống chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp. Dân tộc Tày, Nùng là cư dân nông nghiệp có truyền thống trồng lúa; dân tộc Cờ Lao trước đây chỉ biết canh tác nương rẫy và thu hái chè, hiện nay đã khai thác đất thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước...
Người dân xã Thượng Sơn thu hái chè. |
Đồng chí Hoàng Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn cho biết: Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc thiểu số, nên Thượng Sơn được thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực về đời sống kinh tế - xã hội. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc; vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đồng thời, xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, lâu dài, xã đã lồng ghép việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong đó, chú trọng tổ chức hội thi, giao lưu văn nghệ, trình diễn trang phục, bảo tồn trang phục, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian...
Đặc biệt, trên địa bàn xã Thượng Sơn có 28 hộ, 148 khẩu dân tộc Cờ Lao, đây là dân tộc có dân số ít ở Việt Nam, phân bổ ở các thôn Đán Khao, Bó Đướt, Cao Bành. Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cờ Lao giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 25-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện khóa XXIV về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025, UBND xã Thượng Sơn đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cờ Lao gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn giai đoạn 2021 - 2030” với 2 nội dung chính, đó là: Khôi phục, bảo tồn, phát huy các làn điệu hát dân ca, hát giao duyên của đồng bào Cờ Lao; bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Lễ cúng Hoàng Vần Thùng (tức Hoàng Văn Đồng - Thành hoàng của làng). Phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin và Du lịch huyện tổ chức hội thảo chuyên đề về triển khai công tác bảo tồn, phát huy bản bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; thành lập đội nghệ nhân tái hiện lại Lễ cúng Thành hoàng của làng với 8 nghệ nhân; sưu tầm tài liệu về các làn điệu dân ca; lựa chọn và thành lập đội văn nghệ của cộng đồng dân tộc Cờ Lao với 12 nghệ nhân; tổ chức lớp tập huấn, tập luyện các làn điệu dân ca của dân tộc; mời nghệ nhân dân gian cộng đồng dân tộc Cờ Lao tại xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) truyền dạy cho đội văn nghệ của cộng đồng dân tộc Cờ Lao thôn Đán Khao.
Bà Sùng Thị Than, người dân thôn Đán Khao chia sẻ: Hầu hết người Cờ Lao trong thôn đều có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa, khuyến khích tự may thêu trang phục và mặc trang phục dân tộc trong những sự kiện như cưới, hỏi, lễ hội văn hóa, đồng thời lưu giữ những làn điệu dân ca, trò chơi dân gian…
Có thể thấy, từ công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nét đẹp, giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc trên địa bàn xã Thượng Sơn đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa, đời sống tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Qua đó, góp phần xóa bỏ hủ tục, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Vị Xuyên.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc