Thuận Hòa - Điểm du lịch mới hút khách
BHG - Cách thành phố Hà Giang 13 km, đường giao thông thuận lợi, có lòng hồ thủy điện sông Miện 5 với phong cảnh hữu tình, hang Khau Mèng kỳ vĩ, Lễ hội Giã cốm độc đáo và nhiều nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của đồng bào các dân tộc là những tiềm năng, lợi thế quan trọng để xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao đời sống cho người dân.
Du khách chụp ảnh tại điểm dừng chân check in Cát Lý Camping, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). |
Hợp tác xã (HTX) Cát Lý, xã Thuận Hòa được thành lập từ tháng 3.2022 với ngành nghề kinh doanh chính là nuôi bò thịt, giết mổ, sơ chế các sản phẩm từ thịt bò. Hiện tại, HTX có 1 trang trại chăn nuôi bò vỗ béo theo quy trình khép kín với quy mô 200 con gồm bò lai 3B và bò Vàng Hà Giang; 1 cơ sở giết mổ, sơ chế và chế biến các sản phẩm từ thịt, liên kết chăn nuôi với người dân địa phương. Trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán, giết mổ trên 10 con bò, trọng lượng 350 - 400kg/con. Để phát huy hiệu quả nguồn thực phẩm sạch, đưa sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang chất lượng giới thiệu với du khách, khai thác tiềm năng du lịch lòng hồ, tận dụng, tiêu thụ nguồn lợi thủy sản của người dân, HTX Cát Lý đầu tư xây dựng nhà hàng bò Mông trên lòng hồ thủy điện sông Miện. Giám đốc HTX Cát Lý Thượng Thái Cát cho biết: “Nhận thấy xã Thuận Hòa là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về đường giao thông, du lịch, tôi đã đầu tư trang trại chăn nuôi bò kết hợp du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện sông Miện 5 và điểm dừng chân check in Cát Lý Camping, thuyền du lịch trên lòng hồ và nhà hàng nổi, mỗi ngày có trên 200 lượt khách du lịch trải nghiệm cung đường Thuận Hòa - Thái An dừng chân tại điểm check in Cát Lý Camping để nghỉ ngơi, uống nước, thư giãn, ngắm cảnh; nhiều du khách trải nghiệm du thuyền trên lòng hồ, thưởng thức món ăn đặc sản địa phương ở nhà hàng bò Mông”. Chị Trần Thu Thủy (Hải Phòng) chia sẻ: “Chúng tôi trải nghiệm khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn bằng xe máy và Cát Lý Camping là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình 2 ngày 1 đêm. Phong cảnh ở đây thật đẹp và yên bình”.
Cùng với lòng hồ thủy điện, xã Thuận Hòa có hang Khau Mèng rộng lớn, hang có 2 cửa ra vào, bên trong hang sở hữu vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, kỳ vĩ với thác nước, hồ nước, thạch nhũ với nhiều hình thù đa dạng, phong phú như: Thần tài, mãng xà, san hô, suối nhũ... hứa hẹn là những trải nghiệm vô cùng thú vị khi du khách khám phá nơi đây.
Du khách trải nghiệm Lễ hội Giã cốm huyện Vị Xuyên lần thứ Nhất tổ chức tại xã Thuận Hòa. |
Trong tháng 10, hàng nghìn du khách khắp nơi đổ về Thuận Hòa để hòa cùng hương cốm mới và những thanh âm cuộc sống qua hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống hấp dẫn, gọi mời. Cốm là món ăn ngon, gắn liền với truyền thống văn hóa và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người Tày. Với đôi bàn tay khéo léo, kinh nghiệm và trải qua nhiều công đoạn hoàn toàn thủ công, người phụ nữ dân tộc Tày tạo ra các sản phẩm cốm thơm ngon như: Cốm dẻo, xôi cốm, bánh cốm, chả cốm. Để quảng bá đặc sản địa phương, năm 2022, xã Thuận Hòa tổ chức thành công Lễ hội Giã cốm thu hút đông đảo du khách. Năm nay, huyện Vị Xuyên nâng cấp lễ hội Giã cốm quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống và trải nghiệm quy trình làm cốm. Ghi nhận trong 2 ngày diễn ra lễ hội, có hàng nghìn du khách và người dân đến tham gia; nhiều tấn cốm và nông sản địa phương được tiêu thụ. Bà Thường Thị Quyệt, thôn Mịch B, chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 đời làm cốm, ngày xưa cốm là món ăn riêng của người Tày, nhưng nay cốm rất được du khách ưa chuộng, nên gia đình tôi trồng nhiều lúa nếp để làm cốm. Trong 2 ngày diễn ra lễ hội giã cốm, tôi bán được gần 1 tạ cốm, thu nhập gần 10 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, với vị trí thuận lợi nằm trên Quốc lộ 4C, xã Thuận Hòa phát triển nhiều nhà hàng, dịch vụ phục vụ du lịch; có điểm dừng chân Thuận Hòa trưng bày các sản phẩm đặc sản địa phương. Trên địa bàn xã có 117 hộ kinh doanh cá thể trong đó có 1 công ty, 4 HTX xây dựng và phát triển chuỗi giá trị liên kết các sản phẩm đặc sản địa phương. Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa Nguyễn Thị Chiêm cho biết: “Để khơi dậy tiềm năng du lịch, xã ban hành nghị quyết chuyên đề, ngoài phát huy giá trị về cảnh quan, xã chỉ đạo các thôn tập trung khai thác thế mạnh, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách; đồng thời phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng bản sắc, hấp dẫn.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc