“Tức mác lẹ” - trò chơi dân gian độc đáo của người Tày ở Bằng Lang
BHG - “Đã lâu lắm rồi trò chơi “Tức mác lẹ” mới được tái diễn tiếp tục chơi như bây giờ. Trước kia, trò chơi này đã từng là trò chơi hấp dẫn, sôi nổi nhất mỗi khi Tết đến, Xuân về hay tại các lễ hội của người Tày xã Bằng Lang, huyện Quang Bình”, bà Hoàng Thị Quỵ ở thôn Trung chia sẻ.
“Tức” theo tiếng Tày là chọi là đánh, “mác lẹ” là tên một quả to trên rừng già. Quả này có hình tròn, màu nâu đậm và khá cứng.
Cứ khoảng 20h tối hàng ngày là các bà, mẹ, chị lại rủ nhau tập trung tại sân nhà bà Mái ở thôn Trung, xã Bằng Lang để cùng nhau luyện tập trò chơi “Tức mác lẹ”. Nghe tiếng cạch cạch của các quả mác lẹ va vào nhau là dường như mọi mệt mỏi, áp lực sau một ngày đồng áng, công việc đều được giải khuây. Theo bà Hoàng Thị Lợi, một người chơi lâu năm cho biết: Chơi “Tức mác lẹ” không quá khó nhưng để giành được phần thắng đòi hỏi từng người và từng đội chơi phải thực sự khéo léo, phải biết cách tính toán, đoàn kết trong toàn đội. Cách chơi đối với 2 đội được tính như sau: Trước khi vào chơi, 2 đội ném (ném ở đây được đặt quả mác lẹ lên bàn chân và hất đi) luân lưu đội nào ném trúng nhiều quả mác lẹ hơn đội đó được đi trước. Ném theo số thứ tự lần lượt từ người số 1 cho đến người cuối cùng, tùy vào số lượng người từng đội. Bước 1 là đi lèn; bước 2 là đi cà ính. Đội nào đi hoàn thành 3 bước là được 1 điểm.
Trò chơi "Tức mác lẹ" được chị em tổ chức thành môn thể thao có giải thưởng trong các ngày lễ, Tết |
Trường hợp cả 2 đội đều 3 điểm thì sẽ ném luân lưu, đội nào ném trúng nhiều quả hơn đội đó sẽ chiến thắng. Trong quá trình chơi, người chơi không để chân dẫm vạch kẻ. Tung và cứu phải theo số thứ tự từ 1 đến hết, nếu sai là không được tính, khi đi mác lẹ phải qua vạch hiệu ra mép ngoài mới được tính, trường hợp trúng 2 quả thì quả của mình phải xa hơn mới thắng.
Trò chơi này mới được các bà, mẹ, chị khôi phục lại khoảng 1 năm trở lại đây. Hiện, vào các dịp lễ hội, Tết hay những ngày nghỉ lễ dài ngày thì mọi người trong thôn, xã lại tụ họp nhau, thống nhất với nhau để tự đứng ra tổ chức Giải “Tức mác lẹ” để các chị em được gặp nhau, giao lưu với nhau nhằm xóa bỏ mọi khoảng cách về tuổi tác, giàu nghèo và nâng cao sức khỏe. Cùng với đó, khi chơi mỗi người đều nỗ lực thể hiện sự khéo léo của mình giữa tiếng reo hò, cổ vũ náo nhiệt của khán giả. Do vậy, trò chơi dân gian này được rất nhiều người trong xã quan tâm, theo dõi.
Bà Hoàng Thị Sinh ở thôn Trung chia sẻ: “Hồi xưa còn nhỏ tôi chơi “Tức mác lẹ” giỏi lắm. Trước kia, trò chơi này không chỉ tổ chức để chị em chơi thi trong làng, trong xã vào các dịp lễ, Tết mà còn được tổ chức thi với các làng ở các xã khác để giao lưu. Khoảng 1 năm trở lại đây, trò chơi này được chúng tôi chọn làm môn thể thao chơi có giải thưởng trong các dịp lễ, Tết. Bản thân tôi thấy rất vui vì môn “Tức mắc lẹ” này đang được chị em phụ nữ trong xã đam mê và duy trì phong trào và đặc biệt là không để bị mai một”.
Có lẽ sự phát triển của xã hội ngày càng tiến bộ và có nhiều trò chơi, môn thể thao cũng được phát triển hơn và ở đâu đó còn những trò chơi dân gian truyền thống ngày càng bị mai một. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển phong trào các trò chơi, môn thể thao dân gian nói chung và trò chơi “Tức mác lẹ” nói riêng thì cần các cấp, chính quyền nơi đây quan tâm, tuyên truyền nhân dân giữ gìn nét đẹp truyền thống từ những trò chơi dân gian như thế này để phát huy văn hóa bản sắc dân tộc.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc