Quảng Nguyên bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

14:43, 24/10/2023

BHG - Xã Quảng Nguyên nằm ở phía Nam của huyện Xín Mần. Những năm qua, địa phương đã triển khai các giải pháp phát triển KT – XH. Bên cạnh đó, chú trọng giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, trong đó duy trì những đội văn nghệ dân gian phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng.

Nghệ nhân dân gian hướng dẫn, truyền dạy các làn điệu dân ca truyền thống cho đội văn nghệ.
Nghệ nhân dân gian hướng dẫn, truyền dạy các làn điệu dân ca truyền thống cho đội văn nghệ.

Quảng Hạ là thôn trung tâm của xã Quảng Nguyên, cách đường tỉnh Đ.T178 khoảng 13 km. Toàn thôn nằm dưới chân đèo Gió, có vị trí bằng phẳng, bên cạnh dòng suối Nậm Lỳ hiền hòa. Thôn có 137 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và kinh doanh du lịch cộng đồng. Quảng Hạ được nhiều người biết đến và có sức cuốn hút du khách từ khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn núi. Năm 2022, Quảng Hạ được tỉnh công nhận là Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Những ngôi nhà sàn nằm sau những hàng cọ “xòe ô che nắng” trở thành bản sắc truyền thống, đặc biệt bà con dân tộc Tày còn lưu giữ kho tàng hàng trăm câu chuyện xa xưa, câu tục ngữ và các phong tục truyền thống.

Đội văn nghệ thôn Quảng Hạ tập luyện các tiết mục chuẩn bị đón khách du lịch .
Đội văn nghệ thôn Quảng Hạ tập luyện các tiết mục chuẩn bị đón khách du lịch .

Nắm bắt được nhu cầu phát triển của xã hội, cũng như từ khi ý thức bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, nơi đây được đầu tư khá cơ bản từ các công trình phụ hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nhà ở và xây dựng “nhà sạch, vườn đẹp”... Nhiều năm qua, xã Quảng Nguyên đã thành lập và duy trì hoạt động của đội văn nghệ dân gian, thường xuyên tập hát các làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào dân tộc để du khách thưởng thức, trải nghiệm. Theo người dân ở đây, Quảng Nguyên đang phát triển du lịch dựa vào lợi thế cảnh sắc thiên nhiên ban tặng trên nền văn hóa đặc sắc lâu đời và tình cảm chân chất vốn có của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Để mang đến cho du khách những cảm nhận tốt nhất về nghệ thuật dân gian, thời gian qua, các hộ dân làm homestay đã hợp tác với đội văn nghệ của xã, thôn để biểu diễn, giao lưu văn nghệ. Khách du lịch đến đây được trải nghiệm một khung cảnh yên bình, khí hậu trong lành, mát mẻ, tạo nên cảm giác thư thái, hòa mình trong những làn điệu dân ca. Chị Hoàng Thị Thu Phương, thôn Quảng Hạ chia sẻ: Đội văn nghệ của chúng tôi có hơn 10 người, chủ yếu là các chị em ở trong thôn, có năng khiếu và đam mê với các nhạc cụ dân tộc, am hiểu về các làn điệu dân ca của đồng bào. Mỗi khi có khách du lịch đến nghỉ dưỡng tại Quảng Nguyên, đội văn nghệ của xã phối hợp với thôn biểu diễn, mang đến cho du khách những lời ca, điệu múa mang đậm chất văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Xã Quảng Nguyên có 15 thôn, đến nay các thôn đều duy trì tốt hoạt động của đội văn nghệ dân gian. Đối với các thôn chủ yếu là dân tộc Tày như thôn Quảng Hạ sẽ có đội văn nghệ của thôn biểu diễn các tiết mục của dân tộc Tày như: Hát Then, đàn Tính, múa bát, múa còn… Đối với thôn có đồng bào dân tộc Dao thì múa cấp sắc, dân tộc Mông biểu diễn các tiết mục múa khèn… Đồng chí Hoàng Ngọc Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nguyên cho biết: Các đội văn nghệ trên địa bàn xã đang được duy trì hoạt động tốt, thường xuyên biểu diễn các ngày lễ, Tết và phục vụ khách du lịch. Qua các tiết mục văn nghệ dân gian nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng của Quảng Nguyên đến với du khách thập phương.

Bài, ảnh: Văn Long

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giữ gìn nghề đan chài của người Tày
BHG - Đồng bào người Tày ở các xã Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang), Phương Tiến (Vị Xuyên) bao lâu nay vẫn gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống đan lát. Thế nhưng một nghề truyền thống nữa ít ai biết mà người dân nơi đây còn gìn giữ đó là nghề đan chài. Với tập tục từ xưa của địa phương là nhà nào cũng có ít nhất một ao cá cạnh nhà, nên cái chài gần như là một vật dụng không thể thiếu trong nhà của người Tày nơi đây.
24/10/2023
Phát huy giá trị tài nguyên, bản sắc văn hóa du lịch cộng đồng
BHG - Với những thuận lợi về cảnh quan tự nhiên, tính nguyên sơ, bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội được bảo tồn, lưu giữ một cách đậm nét của các bản làng đặc trưng khu vực miền núi, từ khoảng những năm 2000, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng. Trải qua nhiều giai đoạn thực hiện với các định hướng gắn kết theo các bộ tiêu chí khác nhau, các Làng văn hóa du lịch cộng đồng đã thu hút được lượng lớn du khách, góp phần đưa hình ảnh đẹp của du lịch Hà Giang vươn ra thế giới.
24/10/2023
Trải nghiệm “Rừng vàng” Xà Phìn
BHG - Xà Phìn là thôn vùng cao của xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên “nép mình” dưới dãy Tây Côn Lĩnh có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Nơi đây 100% đồng bào Dao sinh sống. Cảnh sắc mỗi mùa mang vẻ đẹp riêng, nhưng đẹp nhất là mùa lúa chín vào khoảng tháng 9 - 10 hàng năm, tạo nên một “Rừng vàng” mênh mông phủ kín khắp thôn.
23/10/2023
Đặc sắc Tết cá của người Tày Yên Minh
BHG - Cộng đồng người dân tộc Tày ở Yên Minh sống định cư gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Không chỉ tạo ra những bản làng trù phú, họ còn là chủ nhân của kho tàng văn hoá bắt nguồn từ lao động sản xuất, trong đó có Tết cá. Đây là phong tục đặc sắc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
23/10/2023