Ngọt thơm hương cốm

09:50, 19/10/2023

BHG - Đất trời vào Thu, gió heo may se sẽ thổi, nắng như rót mật trên các cánh đồng cũng là lúc tiếng chày giã cốm vang vọng khắp các bản làng người Tày ở Hà Giang. Hương cốm ngọt thơm hòa quyện trong làn gió làm xốn xang bao trái tim thực khách mỗi độ Thu về.

Phụ nữ xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) lựa những bông lúa nếp chắc hạt để làm cốm.
Phụ nữ xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) lựa những bông lúa nếp chắc hạt để làm cốm.

Sớm tinh mơ, khi những làn mây vẫn vờn lưng ngọn núi đầu làng, các cô gái Tày đã gọi nhau ra đồng cắt lúa nếp. Khi cắt lúa phải lựa những bông nếp hạt to tròn, căng mẩy và còn ngậm sữa. Không chọn lúa quá non vì khi làm cốm sẽ bị nát, hay lúa quá già thì cốm sẽ bị cứng, mất độ dẻo, ngon. Thứ nếp để làm được cốm ngon là giống nếp cái hoa vàng địa phương, nhỏ hơn, tròn hơn hạt nếp thường. Là thứ nếp mà đồng bào Tày quý như “hạt ngọc”, sau khi thu hoạch sẽ bó thành từng cụm để trên gác bếp làm giống cho vụ sau.

Để làm ra những hạt cốm dẻo thơm phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Những bông lúa nếp sau khi mang từ đồng về sẽ được chị em chia thành từng bó nhỏ và mang lên lò để sấy. Đây là công đoạn quyết định mẻ cốm có dẻo thơm hay không, vì vậy phải sấy lúa thật đều và nhanh tay, lửa cũng phải canh sao cho vừa vặn, không cháy quá to hay quá nhỏ. Sau khi sấy chín, lúa sẽ được đem đi tuốt để tách hạt. Và chia thành từng mẻ để cho vào cối giã.

Lúa sau khi cắt mang về sẽ được cho lên lò sấy để làm chín hạt nếp.
Lúa sau khi cắt mang về sẽ được cho lên lò sấy để làm chín hạt nếp.

Việc giã cốm cũng đòi hỏi nhiều công phu. Nhịp chày phải được vung thật đều tay, giã đến khi thấy có trấu thì sảy bỏ trấu rồi cho vào cối giã tiếp. Nếu giã mạnh tay quá cốm sẽ bị bẹp, dính lẫn cả vỏ trấu và hạt cốm vào nhau, mà giã nhẹ quá thì sẽ rất lâu mới xong một mẻ, hương vị cốm sẽ không được thơm, ngon. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình giã và sàng, sẩy khoảng 7 – 8 lần là hoàn tất. Chị Nguyễn Thị Huế, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) chia sẻ: “Ngày nay, với sự xuất hiện của nhiều loại máy móc, một số nơi làm cốm đã sử dụng máy sát để tách hạt lúa nếp. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn làm theo phương pháp thủ công được các bà, các mẹ truyền lại, đó là giã lúa nếp bằng tay và sàng, sẩy nhiều lần; như vậy sẽ giúp cho hạt cốm vừa mềm, dẻo, vừa giữ được trọn vẹn hương thơm của lúa nếp mới”.

Trải qua nhiều công đoạn, những mẻ cốm với màu xanh non bắt mắt được ra lò.
Trải qua nhiều công đoạn, những mẻ cốm với màu xanh non bắt mắt được ra lò.

Kết thúc các công đoạn cũng là lúc những mẻ cốm với màu xanh non bắt mắt được ra lò. Hạt cốm dẻo thơm hương trời, khí đất, tích tụ qua bao ngày nắng Hạ mang tới cho thực khách vị ngon đặc biệt khó diễn tả bằng lời. Cốm thành phẩm sẽ được bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ gói trong lá dong hoặc lá chuối để giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc. Khi thưởng thức, những hạt cốm hòa quyện nơi đầu lưỡi, vị ngọt, dẻo và mùi sữa của lúa nếp non cứ vương vấn mãi, tạo nên thức quà giản dị mà chinh phục bao thực khách. Ăn cốm không phải ăn lấy no, ăn cốm là thưởng thức hương vị của mùa Thu. Trong tiết trời Thu se lạnh, thưởng thức những hạt cốm non đầu mùa, cùng với chén chè Shan tuyết đượm vị, lắng lòng nhìn lại một năm bộn bề sắp kết thúc, khiến con người ta cảm nhận được sự bình yên khó diễn tả bằng lời. Từ cốm thành phẩm, dưới bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ còn tạo nên những món ăn đậm bản sắc như bánh cốm, xôi cốm, chè cốm...

Cộng đồng người Tày ở Hà Giang đã làm cốm từ rất lâu đời. Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, vị dẻo thơm của cốm nếp cứ thế lan tỏa, để những người con của bản khi đi xa, cứ mỗi độ Thu về thường nhớ đến món cốm quê nhà – thức quà bình dị mà gói trọn tinh túy của đất trời sang Thu.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hàng nghìn người tham dự Lễ hội Giã cốm huyện Vị Xuyên lần thứ I
BHG - Diễn ra trong 2 ngày cuối tuần 14-15.10, Lễ hội Giã cốm lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp huyện tại Thôn Mịch B, xã Thuận Hoà đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách tới tham dự. Ngoài phần thi giã cốm giữa 11 xã thuộc địa bàn huyện Vị Xuyên, trong khuôn khổ của lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Thi văn nghệ dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, trưng bày sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn, thi ẩm thực của các thôn trên địa bàn xã Thuận Hoà.
18/10/2023
Đưa văn hóa về cơ sở
BHG - Với đặc thù tỉnh miền núi biên giới, có 19 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống riêng biệt đã tạo cho Hà Giang trở thành địa phương đa sắc màu văn hóa. Nhằm nâng cao đời sống người dân, tỉnh chú trọng đưa văn hóa về cơ sở (ĐVHVCS) để xây dựng văn hóa, con người Hà Giang giàu bản sắc.
18/10/2023
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông
BHG - Hà Giang là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em; trong đó, đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 34,4% dân số toàn tỉnh. Trước thực tế nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông có nguy cơ mai một, tỉnh ta đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng để bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông.
17/10/2023
Khuổi My - “Nàng thơ” của thành phố Hà Giang
BHG - Ít ai biết rằng, ở thành phố Hà Giang tấp nập, đông đúc vẫn có một ngôi làng hoang sơ, bình dị, mộng mơ đến kì lạ mang tên Khuổi My.
17/10/2023