Lễ hội Giã cốm huyện Vị Xuyên lần thứ nhất năm 2023
BHG - Tối 14.10, tại xã Thuận Hòa, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức khai mạc Lễ hội Giã cốm lần thứ nhất năm 2023. Dự Lễ khai mạc có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Vị Xuyên và đông đảo nhân dân, du khách.
Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội Giã cốm huyện Vị Xuyên lần thứ nhất năm 2023. |
Lễ hội diễn ra trong thời gian 2 ngày 14 - 15.10 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: Thi văn nghệ dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, trưng bày sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn, thi ẩm thực của các thôn trên địa bàn xã; đặc biệt thi giã cốm giữa các địa phương có nghề làm cốm trong huyện gồm: Việt Lâm, Phương Tiến, Tùng Bá, Phú linh, Kim Linh, Kim Thạch, Đạo Đức, Bạch Ngọc, Ngọc Minh, Linh Hồ, Thuận Hòa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý và lãnh đạo huyện Vị Xuyên trao cờ lưu niệm cho các địa phương tham gia lễ hội. |
Nghề làm cốm tại xã Thuận Hoà được lưu truyền từ bao đời nay, mang đậm văn hóa bản sắc dân tộc Tày, gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngày nay, cốm trở thành hàng hóa được người dân, du khách ưa chuộng. Sau thành công của Lễ hội giã cốm xã Thuận Hòa năm 2022, năm nay, lần đầu tiên huyện Vị Xuyên tổ chức lễ hội quy mô cấp huyện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đồng bào các dân tộc; cầu mong mùa màng bội thu; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời tạo cơ hội để du khách được trải nghiệm quy trình làm cốm và thưởng thức các món ăn ngon chế biến từ cốm như: Cốm giã, xôi cốm, bánh cốm, chè cốm. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo của huyện.
Sàng cốm trước khi giã. |
Phần thi giã cốm |
Để làm ra sản phẩm cốm chất lượng, dẻo, thơm bằng phương pháp thủ công, người phụ nữ Tày phải khéo léo, kinh nghiệm, tỉ mỷ trong từng công đoạn làm cốm, từ việc chọn từng bông lúa nếp non, đến kỹ thuật sấy, giã. Theo các nghệ nhân có kinh nghiệm làm cốm lâu năm ở địa phương, làm cốm thủ công thì công đoạn sấy cốm, giã cốm là những khâu quan trọng, sẽ quyết định hạt cốm có đủ tiêu chuẩn dẻo, thơm, ngon hay không. Những bông lúa sau khi được sấy cẩn thận trên lò nướng bằng củi, được cho vào giã, không khí rộn ràng, công đoạn giã cốm là công đoạn vui nhất, thu hút đông đảo người dân, du khách đến theo dõi, trải nghiệm. Tại lễ hội, ghi nhận lượng tiêu thụ lớn các sản phẩm từ cốm và các sản phẩm đặc trưng của các địa phương; một số gia đình bán được gần 1 tạ cốm, thu nhập gần 10 triệu đồng.
Thi kéo co tại lễ hội. |
Tin, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc