Giữ gìn nghề đan chài của người Tày
BHG - Đồng bào người Tày ở các xã Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang), Phương Tiến (Vị Xuyên) bao lâu nay vẫn gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống đan lát. Thế nhưng một nghề truyền thống nữa ít ai biết mà người dân nơi đây còn gìn giữ đó là nghề đan chài. Với tập tục từ xưa của địa phương là nhà nào cũng có ít nhất một ao cá cạnh nhà, nên cái chài gần như là một vật dụng không thể thiếu trong nhà của người Tày nơi đây.
Được đồng chí Nguyễn Văn Quán, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Độ giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Tiến Tề (80 tuổi) ở thôn Tân Tiến, xã Phương Độ khi ông đang thoăn thoắt đôi tay trên chiếc chài dần hoàn thiện để kịp giao cho khách cũng ở trong thôn. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi ông vẫn còn giữ nghề đan chài này, ông Tề nhanh miệng nói: “Nghề này đã có từ lâu đời theo kiểu “cha truyền, con nối”. Trước đây ở khu Phương Độ này có rất nhiều người làm nghề đan chài, nhưng hiện chỉ còn vài gia đình là còn giữ. Những người khác chỉ mua về sử dụng chứ không còn tự đan nữa. Từ khi còn nhỏ tôi thường xem bố, ông nội đan chài và theo ra sông, ra suối đánh chài bắt cá. Lớn lên được bố truyền nghề lại. Từ đó đến nay tôi đã làm nghề đan chài được 50 năm, tôi đan vừa để sử dụng và ai mua thì đan bán. Nếu trước đây mới học nghề thì 2 đến 3 tháng mới làm được 1 cái chài, bây giờ thì chỉ khoảng gần 1 tháng là hoàn thiện”.
Dù đã 80 tuổi, ông Nguyễn Tiến Tề vẫn đam mê đan chài. |
Dây cước, dây dù là vật liệu chính, kim đan (móc) bằng tre hoặc trúc, vót hai đầu nhọn có ngạnh, ở giữa có lỗ thủng xiên cước qua. Chạc móc bằng tre để treo chài cao đan từ trên đỉnh xuống đáy. Khi đan, người đan phải treo ngược chạc để móc phần nóc chài, phần nóc chài được đan thành một cục bện to, chắc hình xương cá để giữ phần thân chài và đáy chài. Cũng từ nóc chài đó người đan cuốn chặt một dây cước bện dài hoặc một dây thừng dùng để khi quăng chài thì giữ dây nóc đó lại và kéo chài từ từ lên để bắt cá và tùy chài to, nhỏ thì dây nóc chài cũng dài ngắn khác nhau.
Sau khi đan bện xong dây nóc chài thì người ta tiến hành đan từ trên xuống, khi đan gần đến phần miệng thì có một vòng tròn được làm bằng mây hoặc tre vót vòng tròn để làm cân thân chài và để dễ đan. Khi đan, người ta dùng kim móc cước thắt nút vòng vào nhau kết hợp động tác các ngón tay phải khéo léo để có được mặt chài đều nhau, đan mắt chài theo từng vòng từ trái qua phải cứ thế dần dần xuống phía dưới.
Đặc điểm chính của chài là phía trên bao giờ mắt chài cũng được đan thưa, càng xuống phía dưới đáy mắt chài càng dày. Khi đan xong phải mắc vào miệng chài một vòng xích sắt, hoặc kẹp trì (gồm những vòng tròn nhỏ, đường kính khoảng 1,5 – 2 cm móc vào nhau) đủ nặng để khi đánh bắt cá và các loài thủy sản khác không thể chui ra ngoài.
Trước đây, cùng lứa với ông Tề hầu hết đàn ông đều biết đan chài, nhưng chủ yếu là để phục vụ nhu cầu gia đình chứ chưa thành sản phẩm hàng hóa. Ngoài gia đình ông còn một số gia đình thường xuyên đan chài vì thỉnh thoảng có một số hộ khác trong và ngoài thôn đặt mua. Về giá cả thì loại chài nhỏ dành cho lớp thiếu niên từ 1 – 1,5 triệu đồng/chiếc, loại chài dành cho người lớn giá từ 1,5 – 2,5 triệu đồng một cái, chài to hay nhỏ là do đan số lượng mắt chài nhiều hay ít và dây cước to, nhỏ khác nhau.
Tuy sản phẩm làm ra không tạo cho người dân có thêm thu nhập lớn nhưng cũng giải quyết nhu cầu cấp thiết của gia đình. Vì vậy, nghề này vẫn còn duy trì phổ biến trong cộng đồng các gia đình người Tày ở 3 xã nói trên, góp phần tạo nên nét riêng biệt trong đời sống văn hóa.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm
Ý kiến bạn đọc