Đồng Văn sẵn sàng cho Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ IX

11:48, 10/10/2023

BHG - Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015 và đã trở thành sự kiện thường niên nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của Hà Giang, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Với chủ đề “Cao nguyên đá nở hoa”, năm 2023, lễ hội dự kiến sẽ được khai mạc vào cuối tháng 10. Đây là năm thứ IX lễ hội được tổ chức. Đặc biệt, năm nay, lễ hội được tổ chức gắn với Lễ đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III. Tại huyện Đồng Văn - trung tâm tổ chức lễ hội, cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc, dồn sức tạo nên một mùa lễ hội đáng nhớ.

Lễ hội hoa Tam giác mạch trở thành lễ hội thường niên, thu hút đông đảo du khách.
Lễ hội hoa Tam giác mạch trở thành lễ hội thường niên, thu hút đông đảo du khách.

Đến thời điểm hiện tại, để phục vụ lễ hội, huyện Đồng Văn đã gieo trồng được 250 ha cây Tam giác mạch, trong đó có 51 ha trọng điểm, tập trung tại một số xã như: Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn... Nhằm tạo ra sự khác biệt với các mùa lễ hội trước, huyện đã giao phòng chuyên môn, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, thú vị cho du khách. Theo đó, xây dựng các các điểm cho du khách ngắm hoa, trình diễn giao lưu văn nghệ dân gian và các trò chơi truyền thống: Hát dân ca, thổi sáo, múa khèn, đập bóng, đánh yến, đu quay; chủ động thiết kế, tạo hình tại các điểm trồng hoa đảm bảo mỹ quan. Đồng thời, để các điểm trồng hoa phục vụ du khách đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, các xã, thị trấn đã thành lập tổ tự quản để thống nhất quản lý và chăm sóc.

Trong khuôn khổ lễ hội, du khách còn được hòa mình vào không gian trưng bày hoa Tam giác mạch tại các trục đường chính của huyện như trên tuyến phố đi bộ của Phố cổ Đồng Văn, sân quảng trường – nơi diễn ra lễ hội chính... Đồng thời, ngắm các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương. Trải nghiệm hoạt động dệt lanh, thêu tay trang phục truyền thống, chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc; trải nghiệm ẩm thực địa phương. Ngoài ra, còn có các hoạt động gắn với đời sống sinh hoạt của người dân Cao nguyên đá Đồng Văn như: Tẽ ngô, xay ngô, tung ngô vào quẩy tấu, địu ngô qua cầu, địu ngô đi cà kheo…

Hoa Tam giác mạch khoe sắc khắp vùng núi đá tai mèo.
Hoa Tam giác mạch khoe sắc khắp vùng núi đá tai mèo.

Đặc biệt, không chỉ diễn ra các hoạt động tại khu vực trung tâm lễ hội, tại các làng văn hóa du lịch như: Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là; Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; Ma Lé, xã Má Lé; sân chợ Phố Cổ, thị trấn Đồng Văn còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian cho du khách trải nghiệm.

Để lễ hội có sức lan tỏa rộng khắp, ngay từ đầu tháng 9, huyện Đồng Văn đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các hoạt động sẽ diễn ra trong chuỗi sự kiện đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III và Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ IX. Giới thiệu về hình ảnh và sản phẩm du lịch, văn hóa ẩm thực gắn với bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trong huyện, cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, di sản địa chất, địa mạo trên địa bàn huyện. Công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Xây dựng các tin, bài, phóng sự quảng bá về các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội; tuyên truyền trực quan, làm mới các cụm pa nô, băng zôn; tuyên truyền lưu động, kết hợp tuyên truyền vào các buổi chợ phiên, tại các hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn để cán bộ, nhân dân biết và giới thiệu chương trình đến du khách.

Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Đây là năm thứ IX lễ hội được tổ chức, vì vậy huyện mong muốn vừa có thể tạo ra sự mới mẻ, đồng thời vẫn giữ được nguyên giá trị vốn có của một lễ hội truyền thống. Mọi phần việc, nhiệm vụ cụ thể đã được Ban tổ chức Lễ hội phân công triển khai tới từng đơn vị và thực hiện báo cáo tiến độ hàng ngày, hàng tuần. Đồng Văn đã sẵn sàng đón du khách đến trải nghiệm một mùa lễ hội mới.

Với những thành công của các mùa lễ hội trước, tin tưởng rằng Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ IX sẽ tiếp tục phát huy được tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Đồng thời, góp phần tôn vinh những giá trị đặc sắc, hình ảnh đẹp về cuộc sống, con người và các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn; khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có, phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng cũng như tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tìm về hương vị của bánh Trung thu cổ truyền
BHG - Giữa đa dạng thể loại bánh Trung thu được cập nhật theo xu hướng thời đại và nhu cầu của thị trường, cơ sở sản xuất bánh của bà Hoàng Thị Ban vẫn lựa chọn sản xuất bánh trung thu với hương vị truyền thống, sản xuất thủ công không chất bảo quản.
29/09/2023
Hà Giang có 3 món ẩm thực được vinh danh ẩm thực tiêu biểu Việt Nam
BHG - Thông tin từ Sở Văn hóa, TT&DL, Hà Giang có 3 món ăn ẩm thực được vinh danh đó là: Món cá Bỗng, món cháo ấu tẩu, món phở ngô.
29/09/2023
Người Hà Giang với hành trình 24 ngày xuyên Việt bằng xe máy
BHG - Với mong muốn thử sức mình qua hành trình xuyên Việt bằng xe máy, từ ngày mùng 1 - 24.9 vừa qua, anh Ma Quốc Trưởng, sinh năm 1972, ở tổ 12, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, là thành viên Câu lạc bộ chạy Hà Giang Runners đã xuất phát từ điểm Tột Bắc Lũng Cú, Hà Giang với đích đến là đất Mũi Cà Mau. Được biết, anh Trưởng một mình đi xe máy trong hành trình này và mang theo lá cờ của Câu lạc bộ Hà Giang runners để check in, đánh dấu những điểm đã đến.
28/09/2023
Trang phục truyền thống dân tộc Mông hiện tại và tương lai
BHG - Khi nói đến văn hóa đặc trưng dân tộc Mông, những ai đã từng biết, từng đến để chiêm nghiệm về văn hóa dân tộc Mông sẽ luôn ấn tượng với những bộ trang phục sặc sỡ của phụ nữ người Mông. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông được tạo nên trên cơ sở những chất liệu vải tự nhiên như lanh, lụa, gấm, mộc, qua bàn tay khéo léo, chăm chỉ và tỉ mỉ của các bà, các mẹ, các chị, các chất liệu thân thuộc ấy đã trở thành những bộ trang phục với đủ gam màu, sắc khác nhau tùy theo sở thích và khiếu thẩm mỹ của mỗi người bằng kỹ năng đáp, nối vải phối hợp với họa tiết thêu hình hoa văn bằng chỉ màu. Bộ trang phục của phụ nữ Mông như một tác phẩm nghệ thuật của tự nhiên ban tặng, giống như ai đó đã từng nói “nó giống như những sắc màu thiên nhiên” của vùng núi đá nhưng chất chứa tình người.
10/10/2023