Bảo vật trống đồng của người Lô Lô trên Cao nguyên đá

11:19, 13/10/2023

BHG - Lô Lô là dân tộc rất ít người ở Hà Giang, sống tập trung, quần tụ tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. Văn hóa của người Lô Lô rất đa dạng, có nhiều dấu ấn đậm nét theo suốt chiều dài lịch sử, tiêu biểu là trống đồng. Giữ gìn “sợi dây” kết nối mạch nguồn truyền thống từ ngàn xưa để lại, bảo vật quý giá này đang được các thế hệ người Lô Lô trên Cao nguyên đá lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.

Từ bao đời nay, người Lô Lô ở Hà Giang là cộng đồng có tính cấu kết mạnh mẽ, đó chính là yếu tố giúp họ giữ gìn được hầu như nguyên vẹn nét văn hoá truyền thống. Trong văn hoá đặc trưng của người Lô Lô, không thể không nhắc đến trống đồng. Họ cho rằng, từ thủa có trời, có đất là có trống đồng, trống được xem là biểu tượng của con người, hình dáng của trống đồng là sự mô phỏng, cách điệu từ hình dáng con người và mang đầy đủ các hiện tượng của vũ trụ. Năm 2015, đôi Trống đồng Lô Lô có niên đại ở thế kỷ V đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trống đồng được người dân thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) gìn giữ cần thận.
Trống đồng được người dân thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) gìn giữ cẩn thận.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các nét hoa văn trên mặt Trống đồng của người Lô Lô có nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên trang phục truyền thống của họ. Mặt trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn hình răng lược, vòng tròn đồng tâm có chấm giữa, hình người hóa trang cách điệu... Ở giữa là những tia mặt trời mà người Lô Lô gọi là Mồ Pủi Khấy, các vành hoa văn xung quanh là các hành tinh khác. Điểm khác biệt của Trống đồng Lô Lô với trống đồng của các dân tộc khác chính là những lỗ tròn trên mặt trống, bên cạnh đó còn thể hiện ở những vành hoa văn lạ chưa từng thấy trên các Trống đồng Đông Sơn và các trống đồng khác.

Người Lô Lô ở Hà Giang xem trống đồng là báu vật thiêng cha ông truyền lại, cũng là biểu tượng cho sức sống của dân tộc mình. Nghệ nhân Vàng Dỉ Tránh, huyện Đồng Văn cho biết: Trống đồng Lô Lô gồm một cặp trống đực và trống cái. Với quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở và tín ngưỡng phồn thực của người Lô Lô còn được bảo tồn và thể hiện bằng việc không sử dụng trống đồng đơn chiếc mà phải dùng một đôi cùng lúc. Khi sử dụng, trống đực bao giờ cũng được treo bên phải, trống cái treo bên trái. Khi đánh, hai mặt trống đặt đối xứng và cách nhau khoảng 30 cm; người đánh trống tay phải cầm dùi, tay trái cầm que gõ vào tang trống để giữ nhịp cho điệu múa trong các ngày lễ.

Trống đồng được sử dụng trong các điệu múa của người Lô Lô.
Trống đồng được sử dụng trong các điệu múa của người Lô Lô.

Âm thanh trầm vang của trống đồng đã đi vào tâm khảm, phong tục, tập quán và in dấu ấn trong dân ca của người Lô Lô cho đến ngày nay. Hiện, trống đồng vẫn được sử dụng nhiều trong nhiều dịp lễ hội của người Lô Lô như: Lễ Tế trời, cúng Thổ thần, lễ Cầu mưa, cúng Tổ tiên, rước đuốc và ngày hội Lô Lô được tổ chức hàng năm. Trống đồng cũng là nhạc khí không thể thiếu trong đám tang của người Lô Lô, với quan niệm con người do bố trời và mẹ đất sinh ra, tiếng trống đồng là âm thanh dẫn lối đưa linh hồn người quá cố về với Tổ tiên.

Trống đồng cũng là nhạc cụ chủ đạo không thể thiếu trong nghi lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô. Tiếng trống hòa quyện với người hóa trang thành người rừng (hay còn gọi là Ma cỏ) để thực hiện nghi lễ theo 3 phần chính: Lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa Tổ tiên. Lễ cúng Tổ tiên ngoài ý nghĩa thiêng liêng, nghệ thuật của riêng người Lô Lô còn giúp giáo dục hướng về nguồn cội, biết ơn Tổ tiên, tạo gắn kết cộng đồng. Với những nét đặc sắc trong hình thức và ý nghĩa nhân sinh, lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Ông Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) cho biết: Toàn thôn hiện có 105 hộ dân tộc Lô Lô sinh sống và đang lưu giữ 2 cặp trống đồng. Không ngừng bảo vệ, phát huy bảo vật quý giá mà cha ông để lại, người dân trong thôn thường xuyên sử dụng trống đồng vào các dịp lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tích cực giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa, giá trị di sản, nhân lên trách nhiệm bảo tồn, phát huy trong đời sống.

Trống đồng Lô Lô là minh chứng rõ nét cho những giá trị văn hóa rực rỡ từ ngàn đời xưa để lại. Để gìn giữ, phát huy bảo vật quốc gia, tỉnh đã tích cực sưu tầm trống đồng để phục vụ trưng bày, bảo tồn. Ngành Văn hóa cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Lô Lô bảo vệ, gìn giữ văn hóa trống đồng. Cùng với đó, khôi phục, gìn giữ những nghi lễ phong tục truyền thống có sử dụng trống đồng, góp phần bảo tồn, phát huy sức sống của những báu vật có niên đại hàng ngàn năm tuổi.

Ngày nay, những lễ hội, phong tục cùng những vũ điệu hoang dã, âm vang của Trống đồng Lô Lô trên biên cương cực Bắc Tổ quốc đã và đang được gìn giữ là minh chứng cho sự trường tồn của báu vật mà cha ông để lại. Đó cũng là tiếng lòng của các thế hệ luôn đau đáu với việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị truyền thống ngàn năm trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bài, ảnh: LINH CẦM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội
BHG - Hướng tới mục tiêu: Xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập gắn với giữ gìn, phát huy giá trị thuần phong, mỹ tục và các hệ giá trị: Quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, trong những năm qua, huyện Bắc Quang đã có nhiều giải pháp để vừa đảm bảo cho Nhân dân tiếp cận tinh hóa văn hóa, những yếu tố phát triển của xã hội, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc địa phương.
12/10/2023
Gieo trồng hơn 127 ha tam giác mạch phục vụ Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IX tỉnh Hà Giang
BHG - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến 11.10, 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) đã gieo trồng được hơn 333 ha cây Tam giác mạch, trong đó có hơn 127 ha được gieo trồng để phục vụ Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IX tỉnh Hà Giang năm 2023.
12/10/2023
Phát triển du lịch trong kỷ nguyên số
BHG - Làm chủ công nghệ, sử dụng hiệu quả nền tảng số để đổi mới hình thức quảng bá, hỗ trợ du khách qua các ứng dụng tiện ích, xây dựng sản phẩm du lịch (DL) hiện đại, liên kết hợp tác chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quản lý điểm đến... là những bước đi bắt kịp xu thế, mang lại hiệu quả rõ nét của ngành DL trong kỷ nguyên số hiện nay.
11/10/2023
Những ngôi nhà ngói máng truyền thống, nét đẹp của Cao nguyên đá
BHG - Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Với nhiều dân tộc sinh sống bao đời, đã hình thành những nét kiến trúc riêng và độc đáo nơi đây. Nghề làm ngói máng truyền thống trước đây đã góp phần tạo nên những làng, bản với mái ngói máng cực kỳ đẹp, phù hợp với không gian, trở thành một nét đặc trưng của vùng Cao nguyên đá.
11/10/2023