Nhớ về năm tháng chưa xa

10:38, 30/07/2023

BHG - Khi chợ quê đã có người bán hạt sen, một món ăn vào vụ mới, khá bổ dưỡng đối với nhiều người, thì cũng có những người hiểu rằng sen đã tàn và mùa Hạ sắp qua. Hình ảnh những con Chuồn ớt dửng dưng bay rồi lì lợm đậu trên những cuộng sen úa tàn như một đốm than hồng bỗng chốc thổi bùng lên ngọn lửa cháy trong mớ bòng bong của ký ức. Có lẽ sen và hồ sen hay ao sen là nơi tích hợp siêu hệ, đa dạng, nhiều thể loại nhất. Ví dụ, tôi của thời niên thiếu và tôi hiện hữu ở lứa tuổi cao niên, đều có trong “bộ nhớ hồ sen”. Rồi nữa, bầu trời và mặt nước cùng cảnh sắc thiên nhiên luôn ẩn hiện mối duyên trường cửu nơi này. Sự tĩnh lặng trong miền xa thẳm của tâm thức và tiếng chuông gió ồn ào của thời hiện đại bon chen là những thứ không hề vắng mặt nơi những mùa sen bắt đầu và kết thúc. Dù đi qua hay là ngồi câu bên hồ sen, mọi điều và rất nhiều cảm xúc sẽ đến với ta.

Mùa sen thu hút đông đảo du khách tìm đến thưởng lãm và chụp hình.                       Ảnh: Kim Ngân
Mùa sen thu hút đông đảo du khách tìm đến thưởng lãm và chụp hình. Ảnh: Kim Ngân

Thì đã tàn một mùa sen, cũng như tàn một mùa hoa, tàn một cuộc tình vậy. Đó là sự vận hành hợp qui luật của tự nhiên. Nhưng nỗi nhớ và chút suy tư về những tháng ngày như thế vẫn nóng hổi và sống động. Mỗi khi có một duyên cớ gì đó càng làm ta day dứt hơn trước những ký ức mãi mãi không thể tàn phai. Đó là những ngày tháng cuối Hạ này, năm 1967, cách đây đã nửa thế kỷ. Có thể tính bằng khoảng cách của những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta: đánh Mỹ và đánh Tàu. Lúc đó tôi chừng 12 tuổi, thường được gọi là tuổi học trò hay trẻ trâu. Máy bay “Thần sấm”, “Con ma” (F4H và F105) cùng bom đạn Mỹ đầy trời. Nhà tôi phải đi sơ tán, mà sơ tán hình như cũng tự phát thôi. Họ hàng anh em trong làng xóm rủ nhau đi tìm nơi nào đó may ra có thể ẩn nấp, trốn tránh được bom đạn của kẻ dữ là đi. Nhà nào cũng nghèo “kinh điển” thời bao cấp nên đi sơ tán cũng nhẹ nhàng đơn giản, chỉ có chăn màn, quần áo, bát đĩa, soong nồi. Nhà tôi và nhà hai chú tôi gần chục người ở chung một chiếc hầm chữ A, hầm kèo như mái nhà, dưới gốc một cây Ngõa to, gọi là lán gốc Ngõa.

Bọn tôi gần như đã quen với việc máy bay Mỹ ném bom khắp các làng quê. Đi học đội mũ rơm, ở lớp cũng có giao thông hào, hầm trú ẩn. Làng xã tôi cũng có những đơn vị pháo cao xạ, tên lửa của ta đóng quân để bắn trả máy bay địch nên hay bị chúng ném bom. Tôi thì rất thích xem máy bay. Nhất là khi máy bay địch bổ nhào ném bom. Hôm đó là một ngày cuối tháng 7, nghe tiếng máy bay tất cả chạy vào hầm. Tôi đi sau cùng và nấn ná ở ngoài cửa hầm xem máy bay. Có một tốp lượn vòng, tôi thấy một chiếc ngóc đầu lên cao rồi bổ nhào xuống phía lán nhà tôi. Cùng lúc chúng thả ra những quả bom. Tôi vừa chui vào hầm thì tiếng rít xé gió của chiếc phản lực cũng gầm lên ghê sợ. Tiếng bom nổ inh tai gây sức ép vào căn hầm toàn phụ nữ và trẻ con. Mới trước đó mấy người già còn cầu nguyện rì rầm bỗng chốc im bặt. Rất may, cả nhà không sao. Hết tiếng máy bay là tiếng la gọi phía đồi bên Đồng Móc. Tôi chui ra khỏi hầm và thấy vết những mảnh bom cắt qua cửa hầm. Một mảnh to phá toạc mái lán. Nhiều cành Ngõa bị cắt gãy. Cảnh tượng như vừa qua cơn bão lớn.

Sau tiếng gọi của ai đó: “Nhà ông Bảo bị trúng bom rồi, đến ngay để cứu người!”. Dân quân và những người lớn chạy tới trong tiếng gọi nhau í ới. Tò mò tôi cũng chạy theo, đứng xa nhìn. Từ nhà chú Bảo có mấy người vội vã ôm bế mấy đứa nhỏ, con chú Bảo, chạy qua đồng ra đường cái đến bệnh xá để cứu thương. Thời ấy chỉ có đi bộ và xe đạp, mà xe đạp cũng rất ít. Đến cái ao sen có mấy người xuống ao để rửa vết máu từ vết thương của con chú Bảo. Tôi chạy ra tới ao sen thì mọi người đã đi khỏi. Nhìn xuống ao còn thấy màu máu trong nước loang lổ, một nỗi sợ hãi kiểu trẻ con và lòng thương xót pha lẫn căm thù trào lên trong tôi… Sau tôi mới biết em Nam và em Vóc con chú Bảo bị bom bi giết hại. Cái chết của hai em, ít hơn tôi vài tuổi, là nỗi ám ảnh lớn nhất tuổi thơ tôi ngày ấy.

Mỗi lần đi qua ao sen, tôi luôn có cảm giác khó tả, sợ và ngại đi qua đó lúc trời tối. Đây là cái ao sen của ông nội tôi. Bọn trẻ trâu tụi tôi thường lội xuống hái hoa và hái gương sen già để cậy hạt ra ăn sống. Khu ruộng này vài năm sau đó liên tiếp bị bom tàn phá. Cái ao sen cũng trở thành một hố bom sâu hoắm, soi gương bầu trời xanh thẳm. Hiện tại thì cả cánh đồng và những gò đồi ở đây chẳng còn vết tích gì của bom đạn một thời. Nhưng với thế hệ chúng tôi thì nó vẫn còn nguyên một thời thơ ấu vừa hòa bình vừa chiến tranh.

Hôm nay, khi ra chợ quê, tôi lân la hỏi người bán hạt sen, giá cũng khá đắt so với các sản vật nơi đồng quê. Nhưng người bán hạt sen không hề biết tôi thoáng nhớ và nghĩ về mùa sen tàn năm ấy. Lúc ngồi nhà, tôi mở điện thoại và thấy báo chí đưa tin về bom đạn chùm rất nguy hiểm với người dân trong cuộc chiến đang diễn ra bên trời tây. Thậm chí có ảnh một người làm báo đã bị giết bởi loại vũ khí này. Năm mươi năm trước, bom đạn chùm - bom bi là một loại như thế - đã giết người ở làng tôi. Từ một quả “bom mẹ” mở toác ra hai phần thân ở trên cao quăng xuống hàng trăm quả bom bi con. Mãi sau này những quả bom bi chưa nổ còn nằm trong đất vẫn tiếp tục hại người và súc vật. Rồi bom tấn, bom hơi, đã phá hủy luôn cả cái ao sen của ông tôi. Tất cả những duyên cớ này khiến tôi viết vài dòng tản văn như một ngó sen tinh khiết hiện lên từ đáy bùn sâu, không khơi gợi hận thù, chỉ rực cháy một khát vọng sống và kết nối yêu thương, như một lời nguyện cầu cho hòa bình, an yên đối với mọi thế hệ trên trái đất này.

Tản văn: Cẩm Ngà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyền thoại Mẹ!
​​​​​​​BHG - Không thể tìm ra một dân tộc thứ hai nào trên địa cầu này có danh hiệu “Mẹ anh hùng” được phong tặng. Cũng không có một đất nước nào dành riêng một ngày kỷ niệm vừa thiêng liêng lại cảm động đến thế, ngày để người ta nhắc nhiều hơn đến Mẹ, cúi đầu thành kính trước Mẹ bởi những cống hiến, hy sinh không nói hết bằng lời
29/07/2023
Hỗ trợ kinh phí cho người trông coi di tích và nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu

BHG - Từ ngày 1.8, người trực tiếp trông coi di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh và nghệ nhân do Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sẽ được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết số 14, ngày 15.7.2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang.

28/07/2023
Tạp chí của Australia ca ngợi 7 điểm đến hàng đầu Việt Nam 2023
Trên ấn bản đặc biệt phát hành vào 16/7, tạp chí du lịch hàng đầu nước Australia - Escape khiến người đọc nước này mãn nhãn với hình ảnh Cầu Vàng và dành nhiều ca ngợi cho Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, Huế, Sa Pa, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ của Việt Nam.
24/07/2023
Hỗ trợ 200 triệu đồng cho các làng văn hóa tiêu biểu nâng cấp hạ tầng du lịch
BHG-Các làng/thôn/bản được UBND tỉnh quyết định công nhận hoàn thành tiêu chí làng "Văn hóa du lịch tiêu biểu” theo bộ tiêu chí của tỉnh sẽ được hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng để nâng cao hiệu quả khai thác, thu hút du lịch. Đây là một trong những chính sách mới được quy định tại Nghị quyết số 10, ngày 15.7.2023 của HĐND tỉnh.
22/07/2023