Mưa của ngày xưa

16:13, 25/06/2023

BHG - Tôi ngược xóm núi vào một chiều mưa. Đầu tóc, quần áo, ba lô đều ướt sũng. Đã hơn chục năm tôi chưa một lần tắm mưa như thế. Cảm giác bước dưới cơn mưa xứ núi thật diệu vợi. Mưa ở xứ này không giống mưa những nơi khác. Nhiều lúc mưa mà chẳng một bóng mây đen, những hạt nước trong veo, tinh khiết ào xuống vài chập rồi lại tan ra trong cái nắng ngày Hè. Mỗi lần gặp cơn mưa như thế tôi thường để thân mình ướt sũng, rồi khi mưa tan tôi nhìn về phía chân trời chờ đợi. Khi ánh nắng trở lại chưa kịp làm khô bộ đồ tôi mặc thì cầu vồng đã hiện lên lung linh bảy sắc.

Ngày ấy, xóm núi chỉ có chục nóc nhà quần tụ bên nhau, mọi đường đi lối lại thông giữa các nhà đều lởm chởm đất đá. Cứ đến mùa Hè là cả xóm lại được nếm mùi mưa. Các lối nhỏ trong xóm lầy lội vết chân trâu, chân lợn, gà vịt… Để di chuyển dễ dàng dân làng thường đi chân đất, đến nhà nào thì sẽ bước ra sàn múc nước rửa sạch chân rồi mới đi vào. Các thanh niên học cách di chuyển công phu hơn mà không bị bẩn đó là đi cà kheo. Những chiếc cà kheo được làm từ tre vô cùng khéo léo. Để chế tác được một đôi cà kheo là không ít công phu từ việc chọn cây đến việc đục đẽo, lắp ráp làm sao cho bàn đạp chắc nhất và có thể tải được trọng lượng cơ thể của người đi.

Yên bình xóm núi vùng cao. Ảnh: PV
Yên bình xóm núi vùng cao. Ảnh: PV

Anh trai tôi là một người đi cà kheo rất giỏi nhưng lại có thân hình khá mập. Một đợt mưa mấy ngày liền đường sá nhão nhoẹt, có việc sang nhà hàng xóm anh mới lôi đôi cà kheo từ năm ngoái ra. Đi được nửa đường thì rắc rắc… bụp. Ông anh chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã nằm sõng soài giữa bãi lầy lội bùn đất trộn phân trâu, phân lợn… Hóa ra sau một năm chiếc cà kheo đã cũ mà người anh lại mập lên nên nó không đủ sức tải trọng lượng làm cho chân dẫm bị gẫy và ông anh mất thăng bằng cũng ngã theo. Sau bận đó ông ấy không dám đi lại cà kheo cũ bao giờ nữa.

Mưa mùa Hạ mang một màu sắc riêng. Những trận mưa ám ảnh tới mức không thể tả được bằng lời. Chỉ có thể lược lại qua màu sắc sẫm đậm trên mái ngói âm dương. Mưa dầm dề, dài, dai lâu ngày rả rích làm những mái ngói no nước và chuyển màu. Ngồi bên khung cửa nhìn ra khoảng mênh mông xa xăm phía những ngọn núi ngắm mưa, tất cả đều được phủ một màu bàng bạc không thể lẫn vào đâu. Đã có bao nhiêu thế hệ người làng tôi lớn lên dưới những cơn mưa như thế.

Con đường vào xóm giờ đã bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới. Những cơn mưa chỉ có thể thấm no khối cát đá vô hồn đó chứ không gợi lên được mùi mưa như xưa. Tôi cố bước thật chậm, hít hà không khí xung quanh, tất cả mọi thứ vẫn trong lành chỉ có mùi mưa của ngày xưa là không còn nữa.

Thanh niên xóm núi giờ không biết đi cà kheo. Với chúng, đó là một thứ gì đó khá lạc hậu hoặc chúng chỉ biết trong hoài niệm những người già. Duy chỉ có anh trai tôi vẫn thường xuyên đi từ nhà nọ sang nhà kia bằng cà kheo như cũ. Những bước cồm cộp trên nền bê tông nghe cũng lạc lõng vô hồn. Anh cố giữ lại vì nó đã gắn với anh hơn nửa đời người. Đôi cà kheo có những buồn vui cùng bao kỷ niệm ngày anh trai trẻ. 

Mưa táp vào mặt tôi chảy ròng ròng theo sống mũi. Lúc cố gắng hít hà mùi mưa tôi đã hít cả những giọt nước mằn mặn mồ hôi lẫn cùng axít trong mưa mà cay sống mũi. Mưa đang ở đây, gần đến không thể gần hơn được nhưng sao tôi như trống rỗng. Ký ức những mùa xưa gắn với mưa đặc trưng khiến tôi không quên được, hoặc cũng có thể trong mưa không còn tiếng bì bõm lầy lội của gia súc đi trên đường làng và bóng những người đi cà kheo qua lại hỏi thăm nhau nữa. Tất cả bỗng chợt hiện, rồi theo những hạt mưa trôi xa…

Tản văn: Ngô Bá Hòa


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tết Đoan ngọ trong đời sống nông nghiệp người Tày
BHG - Trong các ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc có thể nói Tết Đoan ngọ cùng với cúng cầu mùa, lễ ăn cơm mới... là những ngày Tết, lễ gắn chặt với đời sống nông nghiệp. Với ý nghĩa là lễ cúng diệt trừ sâu bệnh, cầu cho mùa màng tốt tươi, Tết Đoan ngọ còn có tên gọi dân dã là Tết diệt sâu bọ. Ngày Tết dân dã này được người Tày coi là một ngày quan trọng bởi một vụ mùa bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại sẽ mang đến no đủ cho cả năm.
22/06/2023
Tính Đảng – Kim chỉ nam của báo chí cách mạng Việt Nam
BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, đặt nền móng cho sự ra đời nền báo chí cách mạng Việt Nam và giúp báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện đầy đủ các vai trò là người tuyên truyền, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể với tinh thần chiến đấu, thấm nhuần tính Đảng và tính Nhân dân. Tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam là nét đặc trưng, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang là kim chỉ nam cho mọi hoạt động lãnh đạo báo chí của Đảng ta trong thời kỳ mới.
22/06/2023
Những “phóng viên” không chuyên
BHG - Trong những năm qua, Báo Hà Giang đã nhận được sự cộng tác nhiệt tình, của đội ngũ cộng tác viên (CTV) trong và ngoài tỉnh. Những tin, bài ảnh từ cơ sở được các CTV gửi về đã góp phần phản ánh kịp thời những thông tin về thời sự, chính trị KT-XH, AN-QP ở khắp mọi miền trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, đã giúp cho Báo Hà Giang ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.
21/06/2023
Nhà báo dấn thân vào  “điểm nóng”
BHG - Phản biện là một trong những chức năng quan trọng của báo chí. Thực hiện điều này, các cơ quan báo chí của tỉnh luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ, công cụ hỗ trợ tích cực giúp cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp nắm bắt các vấn đề nổi cộm ở cơ sở, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, không phải nhà báo, phóng viên nào cũng có thể sáng tạo những tác phẩm báo chí mang tính chất phản biện. Ngoài kỹ năng, nghiệp vụ tốt thì những nhà báo viết thể loại này cũng phải có tính cách “gai góc” như những vấn đề được phản biện.
21/06/2023