Mèo Vạc tổ chức hội thảo “Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn”
BHG - Chiều 15.5, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức hội thảo “Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn” gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống để xây dựng huyện Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh. Đến dự có các đồng chí: Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; Hoàng Thị Hạnh, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo huyện Mèo Vạc…
Toàn cảnh hội thảo. |
Mèo Vạc nằm trong vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đến nay, toàn huyện có 3 di sản văn hóa phi vật thể; 6 làng văn hóa du lịch cộng đồng; 101 khách sạn, nhà nghỉ, homestay; 60 nhà hàng, quán ăn; 25 cơ sở vui chơi giải trí; 20 cơ sở mua sắm; 12 cơ sở chăm sóc sức khỏe … Các đơn vị kinh doanh cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch.
Xác định phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của huyện, những năm qua, huyện Mèo Vạc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển; quan tâm phát triển sản phẩm du lịch là đặc trưng, thế mạnh của huyện; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hình thành và khai thác hiệu quả tour, tuyến du lịch phục vụ du khách; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống… Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến huyện không ngừng tăng qua các năm; riêng trong quý 1 năm 2023, lượng khách đến huyện đạt trên 153.000 lượt người, doanh thu từ du lịch đạt hơn 140 tỷ đồng.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, tập trung vào các nội dung: Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch của huyện Mèo Vạc; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc, tạo sản phẩm du lịch từ văn hóa; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại huyện Mèo Vạc; xây dựng sản phẩm du lịch của Mèo Vạc gắn với hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, hoạt động trải nghiệm nghiên cứu khoa học dưới tán rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Chí Sán; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…
Thông qua tổ chức hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng, thế mạnh, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Mèo Vạc. Từ đó đưa ra các giải pháp, bài học kinh nghiệm để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa các dân tộc, cũng như lợi thế về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn để phục vụ phát triển du lịch - dịch vụ và nâng cao đời sống nhân dân.
Tin, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc