Đồng Văn xây dựng các “đặc sản” du lịch
BHG - Những năm qua, sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Đồng Văn. Với mục tiêu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành định hướng chiến lược quan trọng để phát triển toàn diện, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác, bên cạnh đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng nguồn nhân lực, huyện Đồng Văn đã và đang triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, trở thành “đặc sản” riêng có của huyện.
Lễ hội Gầu Tào xã Phố Cáo là một trong những lễ hội Xuân thu hút đông đảo du khách. |
Hiện, trên địa bàn huyện, các di tích như: Phố cổ Đồng Văn, Cột cờ quốc gia Lũng Cú, Dinh thự nhà Vương; các di sản văn hóa: Di sản phi vật thể cấp Quốc gia là Lễ cúng Tổ tiên và nghề thêu thổ cẩm của người Lô Lô hiện đang phát huy hiệu quả cao, thu hút đông đảo du khách tìm hiểu, trải nghiệm. Một số lễ hội truyền thống như Hội Xuân khèn Mông, lễ hội Gầu tào xã Phố Cáo phát huy giá trị, góp phần quảng bá văn hóa các dân tộc Hà Giang đến với du khách. Tuy nhiên một số làng văn hóa như làng văn hóa tiêu biểu xã Má Lé, làng văn hóa du lịch thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn; một số di sản như: Lễ cúng thần rừng và lễ ra đồng của người Pu Péo; một số lễ hội truyền thống khác như cúng rừng, lễ ra đồng của người Giấy ở Má Lé,… chưa được phát huy hết giá trị phục vụ cho du lịch và hiện đang ở diện bảo tồn.
Hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tại sân Phố cổ Đồng Văn. |
Để phát huy hết các giá trị văn hóa, đồng thời xây dựng các “đặc sản” du lịch riêng có, huyện Đồng Văn có nhiều định hướng, ban hành nghị quyết chuyên đề về Phát triển vùng rau, hoa, cây ăn quả phục vụ du lịch. Đến nay, đã hình thành được vùng rau chuyên canh ở một số xã, thị trấn; chuyển đổi cây lê, mận trồng tập trung thành từng vùng phục vụ du lịch và xác định đây sẽ là các điểm du lịch trải nghiệm thu hút đông đảo du khách tới tham quan. Hiện, cây Đào địa phương và cây Mai anh đào đang được triển khai trồng ở các điểm du lịch, tạo cảnh quan và thu hút du khách. Huyện cũng đã phát triển được một số sản phẩm nông nghiệp trở thành thương hiệu của vùng cao như: Đặc sản gà xương đen Tả Lủng, mật ong hoa Bạc hà xã Vần Chải, thịt lợn đen vùng cao, Sâm khoai Tả Lủng... được đông đảo người dùng đón nhận. Bên cạnh đó, huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn văn hóa theo đặc trưng của từng dân tộc: Mông, Lô Lô, Pu Péo, Hoa Hán, Tày, Giấy… gắn với các làng văn hóa du lịch nhằm tạo ra sự khác biệt, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa của từng đối tượng khách du lịch. Tiếp tục tu sửa, xây dựng, cải tạo các làng văn hóa đã có, phát triển về quy mô và đưa vào hoạt động bài bản hơn. Ở các làng văn hóa sẽ có những hoạt động cho du khách được trải nghiệm cuộc sống của người dân. Tạo điều kiện cho người dân phát triển thêm dịch vụ homestay để có thêm thu nhập, từng bước thay đổi cuộc sống từ làm nông nghiệp sang làm du lịch. Thời gian tới, huyện xây dựng và ra mắt làng Văn hóa thôn Lao Xa, là nơi có làng nghề đúc bạc truyền thống và có số lượng cây Đào cổ địa phương nhiều nhất cả huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Mặc dù đã và đang đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên du lịch huyện Đồng Văn còn một số hạn chế như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng dịch vụ, du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy… Nhận thấy rõ điều đó, huyện Đồng Văn đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch riêng có, mang tính “đặc sản” thu hút du khách khi tới huyện. Hiện, một trong những hoạt động mà bất kì du khách nào tới Đồng Văn đều ấn tượng đó là tham gia giao lưu văn hóa tại sân Phố cổ thị trấn Đồng Văn. Đây là một trong những hoạt động được du khách đánh giá là đặc sắc và riêng có của huyện. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tại sân Phố cổ mỗi tối thu hút hàng trăm du khách tham gia, trải nghiệm. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì các lễ hội truyền thống, đồng thời không ngừng đổi mới các hoạt động trải nghiệm để du khách có thể quay trở lại với Đồng Văn không bị nhàm chán.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc