Độc đáo phong tục đón Tết của người Mông ở Yên Minh
BHG - Khác với phần lớn đồng bào Mông trên vùng Cao nguyên đá, người Mông xã Đường Thượng, Lũng Hồ, Du Già (Yên Minh) thường ăn Tết sớm hơn Tết cổ truyền của cả nước gần 1 tháng. Đây là nét độc đáo riêng có trong văn hóa của người Mông nơi đây.
Học sinh ở các xã Lũng Hồ, Đường Thượng mặc quần áo mới đi chơi Tết. |
3 xã Lũng Hồ, Du Già và Đường Thượng ngày nay đều được tách ra từ xã Đường Thượng cũ. Khu vực này thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp là vị trí trọng yếu trong tuyến đường liên lạc của các căn cứ cách mạng nối tỉnh Hà Giang với Cao Bằng, cũng như vận chuyển thiết bị và đưa cán bộ từ Trung Quốc về nước kháng chiến. Vì thế, nơi đây từng được thực dân Pháp xây dựng đồn trú cai trị. “Có lẽ do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thường đón Tết theo lịch dương, nên người Mông ở 3 xã này thường ăn tết sớm hơn gần 1 tháng so với Tết cổ truyền của dân tộc” - đồng chí Sùng Mí Vư, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến, người Mông bản địa và là người có uy tín ở xã Đường Thượng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, người Mông ở Đường Thượng không hoàn toàn đón Tết theo lịch dương như người phương Tây mà thường chọn một ngày đẹp trong tháng 12 âm lịch hàng năm (vào cuối tháng 12 dương lịch hoặc đầu tháng 1 dương lịch năm sau) thuộc 1 trong các con giáp như: ngày Ngọ (con ngựa), hoặc Thân (con khỉ) để bắt đầu những ngày Tết cổ truyền. Đồng thời không tổ chức ăn Tết khi kỵ vào những ngày xấu như: ngày Tý (chuột), Mão (mèo). Đặc biệt, mỗi dòng họ lại chọn những ngày khác nhau để phù hợp với tuổi của chủ nhà để tính thời điểm bắt đầu Tết (mùng1).
Tết của người Mông nơi đây thường kéo dài trong 1 tuần và trở thành nét văn hóa truyền thống lâu đời của bà con. Vì thế, trước khi đến tháng 12 âm lịch, cấp ủy, chính quyền 2 xã Đường Thượng và Lũng Hồ tổ chức gặp mặt, xin ý kiến các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn và ở một số thôn, xóm người Mông của xã Du Già để thống nhất chọn một ngày đẹp là ngày mùng 1 Tết của cả xã. Khi đó, các địa phương sẽ thông báo tới trường học cho học sinh nghỉ học để ăn Tết và tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian cho nhân dân vui chơi, đón Tết.
Phong tục đón Tết truyền thống của người Mông ở Đường Thượng, Lũng Hồ, Du Già có những nét độc đáo như: Từ ngày 30 đến mùng 3 Tết, các gia đình sẽ làm mâm cơm, thắp hương cúng Tổ tiên, thần linh (riêng ngày mùng 1 và mùng 2 Tết chỉ thắp hương, không làm cơm cúng). Đối với người Mông, trong đời sống văn hóa của họ, việc thắp hương tổ tiên chỉ thực hiện khi con trai cưới vợ hay dịp Tết.
Với nhiều dòng họ, ngày mùng 1 Tết ai là người đến xông nhà đầu tiên của một gia đình phải làm lễ “dựng cửa, hay rửa cửa” để gia chủ có một năm mới thuận lợi, may mắn. Thường các gia đình lựa chọn một người có tuổi hợp với chủ nhà và mời đến chơi nhà sớm. Văn hóa này có những nét giống với phong tục xông đất của người Kinh trong ngày đầu năm mới.
Trong đêm Giao thừa, các gia đình sẽ làm lễ “cúng con gà trắng” với mong muốn năm mới họ sẽ chăn nuôi thuận lợi. Tùy dòng họ, nếu trong năm cũ gia đình sinh con nhỏ thì ngày mùng 2 Tết phải mổ lợn làm lễ “rửa giường” với mục đích dọn, rửa uế tạp trên giường để năm mới mọi người trong gia đình có sức khỏe dồi dào.
Điểm chung trong phong tục đón Tết của người Mông nơi đây, ngày 30 Tết các gia đình đều dán giấy bạc vào cột nhà và bàn thờ, sau đó chặt 3 cây trúc bó thành chiếc chổi để làm “phép” quét, đuổi những điều không may mắn của năm cũ đi. Các gia đình cũng chuẩn bị trước những bộ quần áo mới cho cả nhà để mặc đi chơi những ngày Tết.
Anh Và Chờ Xá, thôn Cờ Tẩu, xã Đường Thượng chia sẻ với chúng tôi: Phong tục ăn Tết của người Mông chúng tôi được truyền lại từ xa xưa. Chỉ có những ngày Tết anh em trong gia đình mới có dịp quây quần đông đủ, vui chơi thoải mái và thực hiện những nghi lễ truyền thống cầu mong năm mới nhiều điều may mắn, thuận lợi. Con, cháu trong nhà cũng có dịp mặc quần áo mới và chơi các trò chơi dân gian, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Thật may mắn khi chúng tôi có dịp đến Đường Thượng đúng những ngày Tết của đồng bào Mông. Trên khắp các nẻo đường từ những em nhỏ đến các cụ già đều tươi cười rạng rỡ khi khoác lên mình những bộ váy, áo mới cùng nhau đi chơi, vui Xuân, đón Tết. Những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết của Người Mông ở Đường Thượng, Lũng Hồ được gìn giữ nguyên vẹn hàng trăm năm qua và rất cần được phát huy để trở thành một sản phẩm độc đáo thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.
Bài, ảnh: Lương Hà
Ý kiến bạn đọc