Mùa hoa cải trên nương
BHG - Chuyến xe ngược lên vùng cao chậm rãi bò qua từng con dốc. Mùa Đông, cây cối xác xơ trơ trụi thân cành. Những chiếc lá rụng xuống gốc như rải tấm thảm vàng vọt khắp sườn đồi, núi. Màu vàng của lá rơi đang phác họa bức tranh trầm mặc. Tạo hóa điểm tô cho mùa Đông những gam màu buồn nhất năm, nhưng con người không chấp nhận điều đó. Nếu màu vàng của lá rụng tượng trưng cho sự chia lìa thì con người đã tạo ra một màu vàng khác thể hiện sự sinh sôi. Đó là màu vàng óng ả, rực rỡ của hoa cải.
Sau khi đốt những thân xác hoa màu đã thu hoạch, từng vạt nương được khoác lên tấm áo mơn mởn từ mầm cải xanh non. Mùa Đông miền núi, muôn loài say ngủ giữa sương muối... Cảm tưởng như sự sống không tồn tại ở nơi này thì kỳ lạ thay, các giống cải lại đội giá rét lớn lên xanh mướt. Cải sinh sôi tốt nhất vào mùa giá lạnh. Người vùng cao chỉ gieo cải một lần trên đám nương vừa đốt, việc còn lại là chờ thu hoạch. Những mầm cải lớn lên bằng nguồn dinh dưỡng của tro đốt nương, của gió núi, mưa rừng và sương lạnh. Sự sinh trưởng của chúng tự nhiên hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.
Những vạt nương cải xanh mướt tạo ra sức sống mãnh liệt trong mùa Đông, tô thêm sắc màu tươi mới cho bức tranh vốn nhiều ảm đạm. Từng chiều, các chị, các mẹ lại lên nương cải bẻ từng bẹ lá mập mạp, tươi ngon. Cải là thứ rau chính trong bữa ăn của người miền núi. Những bẹ lá xanh non sẽ được chế biến các món xào, luộc, canh. Đang đói mà có bát canh cải nấu gừng nóng hổi ăn với cơm lúa nương thì ngon hết ý. Cái lạnh thấm trong người sẽ bị đẩy ra theo từng giọt mồ hôi li ti thấm đầy trên trán cùng với đó là cảm giác khoan thai, dễ chịu. Những lá già hơn sẽ được phơi gió một hai ngày rồi đem muối dưa. Dưa cải nương ăn có vị giòn tan như ăn cả đất trời. Những món ăn nấu từ dưa cải cũng có hương vị rất đặc trưng. Phần còn lại của cây cải trên nương vẫn cứ lớn lên và trổ ra những bông hoa vàng rực.
Từ xa xa nhìn lên nương cải, cả ngọn núi, lưng đồi được dát một màu vàng rực rỡ. Từng cơn gió thổi qua khiến hoa cải như con sóng đang chao lượn. Tôi mở cửa kính xe để nhìn rõ hơn sắc hoa vàng óng. Vài vị khách du lịch đứng nép bên nương chụp ảnh cùng hoa cải. Chiếc gùi trên lưng các chị như những bình hoa khổng lồ.
Chiếc gùi đựng đầy hoa cải sặc sỡ kia đưa tôi về miền ấu thơ xa lắc. Mỗi chiều Đông, mặc cho gió rét luồn qua buốt lạnh, tôi cứ ra đứng bên con dốc đầu bản chờ bà đi nương về. Từ đằng xa, dù màu áo chàm của bà lẫn với màu đá nhưng những sắc vàng đang chuyển động kia thì không lẫn vào đâu được. Tôi chạy lại phía bà đón lấy bó hoa cải. Vài chú ong chăm chỉ vẫn bay theo những cành hoa rung rinh trên tay tôi để hút mật.
Bà về với Tổ tiên vào một buổi chiều nương cải vàng óng. Cơn cảm lạnh đột ngột khiến tuổi già của bà không đủ sức chống chọi. Mộ của bà được đặt bên nương cải. Mỗi chiều tôi lại hái một bó cải vàng ươm đặt trước mộ. Tôi cứ thế lớn lên cùng những kỷ niệm về mùa hoa cải.
Con đường ngược dốc đưa tôi đến một vùng đất xa lạ nhưng đầy thân quen. Lạ vì lần đầu tiên tôi lên đây công tác. Quen vì nhìn đâu cũng núi, cũng đồi cùng những nương cải vàng óng ả. Quen hay lạ chỉ khác nhau ở cái tên, còn cảm nhận của con người khi lên miền núi đều giống nhau. Cũng như bông cải trên nương, chúng không quan tâm mình đang ở chỗ nào, cứ có đủ gió, đủ sương, đủ dinh dưỡng là chúng sẽ góp cho đời một màu vàng rực rỡ.
Tản văn: NGÔ BÁ HÒA
Ý kiến bạn đọc