Sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Dao trong lễ Cầu mùa, cầu mưa
BHG - Lễ Cầu mùa, cầu mưa là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao xã Đường Hồng, huyện Bắc Mê đã hình thành từ lâu đời và được người dân bảo tồn, tổ chức hàng năm. Lễ hội được tổ chức đã thể hiện bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người dân, góp phần tô điểm cho văn hóa Việt Nam thêm đậm đà, phong phú.
Tiết mục tái hiện lễ Cầu mưa, cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao tại Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia huyện Bắc Mê năm 2022. |
Theo người dân ở đây, lễ Cầu mùa, cầu mưa có truyền thống từ hàng trăm năm, được khôi phục và tổ chức vào mùng 3 tháng 3, mùng 6 tháng 6 âm lịch hàng năm, tạo nên nét riêng mang dấu ấn của đồng bào dân tộc Dao đỏ. Lễ hội được tổ chức nhằm cầu mưa thuận gió hòa, chăn nuôi, trồng trọt, mùa màng bội thu; gia đình, hàng xóm sống hòa thuận, đoàn kết. Để tổ chức lễ hội mỗi gia đình sẽ góp đồ lễ, như: Gạo, rượu trắng, lợn, gà… sản vật đều do các hộ trồng, nuôi được. Nghi lễ cúng tế diễn ra trang nghiêm, mỗi thầy làm một nhiệm vụ riêng gọi Ngọc Hoàng, Thần đất để chứng giám, đại diện một số hộ dân trong thôn nhảy múa đánh nhạc cụ. Kết thúc lễ cúng, thầy cúng thay mặt dân bản gửi lời cầu nguyện của con cháu đến tổ tiên và các vị thánh thần về chứng kiến buổi lễ.
Đồng chí Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: “Lễ hội Cầu mưa, cầu mùa là hoạt động cộng đồng văn hóa đặc sắc, có tác dụng cổ vũ, động viên người dân bước vào một vụ sản xuất mới. Nhằm bảo tồn và phát huy, huyện đã chỉ đạo xã Đường Hồng chú trọng tuyên truyền; yêu cầu các trường học trên địa bàn đưa vào tiết học ngoại khóa nhằm khơi dậy niềm tự hào về nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở địa phương, trong đó có lễ Cầu mùa, cầu mưa. Hỗ trợ thầy cúng về đồ dùng, kinh phí trong việc phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ sau. Với giá trị và sự nỗ lực của địa phương, tháng 11.2022 Lễ hội đã được Bộ Văn hóa – TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, góp phần nâng tổng số di tích, di sản của huyện lên 4 di tích cấp quốc gia. Đây là tiền đề giới thiệu những vốn văn hóa truyền thống độc đáo của nhân dân các dân tộc huyện tới đông đảo bạn bè trong tỉnh và khu vực. Mở ra nhiều cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế - văn hóa xã hội của huyện nhà”.
Như tiếp thêm động lực, Lễ hội được tổ chức hàng năm đã giúp người dân xã Đường Hồng vững tin trong phát triển kinh tế. Từ đó giúp bà con yên tâm sản xuất, góp phần đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, cụ thể: Tổng diện tích 4 cây trồng chính thực hiện được 807ha, đạt 101% so với KH; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.960 tấn, tăng 67,9 tấn so với cùng kỳ, bình quân lương thực đầu người đạt 654 kg/người/năm; rau các loại 55ha đạt 157%, sản lượng đạt 15 tấn; lâm nghiệp trồng được 74,9ha đạt 174% KH; trồng mới được 32,2ha cỏ đạt 194%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 537 hộ năm 2021 xuống 508 hộ năm 2022, hộ cận nghèo 133 xuống còn 118 hộ...
Với giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu Lễ hội Cầu mưa, cầu mùa đã góp phần thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, có vai trò đặc biệt trong việc gắn kết cộng đồng, giúp phát triển kinh tế địa phương. Tạo điểm nhấn cho huyện Bắc Mê trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch tới du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc