Về chiến khu cách mạng Tân Trào

17:34, 10/10/2022

BHG - Trong không khí của những ngày Thu lịch sử, đoàn cán bộ, phóng viên và tuổi trẻ Báo Hà Giang có chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám, năm 1945. Thăm những địa danh gắn liền với lịch sử Thủ đô kháng chiến như đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa ai nấy đều trào dâng cảm xúc đặc biệt và càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.

Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ từng sinh sống và làm việc.
Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ từng sinh sống và làm việc.

Bước qua cây cầu bắc trên con suối nhỏ Khuôn Pén, qua 79 bậc thang tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác, chúng tôi đến lán Nà Nưa. Kính cẩn thắp nén hương thơm, ai nấy đều lặng mình ngắm căn lán nhỏ, nghe thuyết minh viên kể những câu chuyện giản dị về Bác và những năm tháng gian khổ không thể nào quên của lịch sử cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1945, trước yêu cầu của tình hình cách mạng, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Căn lán được dựng đơn sơ, giản dị theo kiểu nhà sàn của đồng bào nơi đây, dưới những tán cây rậm rạp, để đảm bảo bí mật cũng như đảm bảo yêu cầu của Bác lúc bấy giờ: Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến và tiện đường thoái.

Diện mạo thôn Tân Lập. 				
						Ảnh: C.T.V
Diện mạo thôn Tân Lập. Ảnh: C.T.V

Thời gian ở lán Nà Nưa Bác đã 55 tuổi, cuộc sống sinh hoạt thiếu thốn, bữa cơm thường chỉ có măng rừng chấm muối và nước trà xanh làm canh, cùng thời tiết khắc nghiệt giữa mùa mưa của núi rừng Việt Bắc đã khiến Bác bị ốm nặng. Trong cơn bệnh nặng, lúc tỉnh lại sau cơn sốt mê man, Bác Hồ đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp về thời cơ cách mạng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Sau khi sức khỏe dần hồi phục, Bác chỉ thị tổ chức gấp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Người nói với Thường vụ Trung ương: “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội…”. Từ ngày 13 - 15.8.1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 16, 17.8.1945, Quốc dân đại hội - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam họp tại đình Tân Trào, đã nhất trí thông qua chủ trương của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16.8.1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội...

Tuổi trẻ Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang báo công với Bác tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Tuổi trẻ Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang báo công với Bác tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Chứng kiến nơi ở và làm việc đơn sơ của Bác và các bậc cán bộ cách mạng, đặc biệt nghe thuyết minh viên kể về cuộc sống kham khổ của Người trong suốt thời gian làm việc ở lán Nà Nưa, các thành viên trong đoàn ai cũng bồi hồi, xúc động. Mặc cho mưa nắng dãi dầu cùng năm tháng qua đi, căn lán nhỏ đơn sơ vẫn nằm đó, ẩn mình dưới tán rừng xanh mát, trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Rời lán Nà Nưa và đình Hồng Thái, đoàn có dịp tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tân Lập, xã Tân Trào, nơi nhiều bậc tiền bối cách mạng từng sống và làm việc để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công. Vùng quê nghèo năm xưa nay đã thay “áo mới”. Những con đường bê tông sạch đẹp nối các nhánh hộ, cánh đồng lúa vàng tươi quyện mùi thơm lúa mới, những ngôi nhà kiên cố, khang trang cho thấy cuộc sống no ấm của bà con nơi đây. Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, người dân Tân Trào đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, xây dựng quê hương.

Đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Năm 2015, xã được công nhận hoàn thành các tiêu chí, vinh dự trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang về đích Nông thôn mới. Hiện nay, 100% đường trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Hiện nay, toàn xã có trên 30 hộ làm dịch vụ homestay ngay tại những ngôi nhà sàn của gia đình, góp phần mở ra hướng phát triển mới cho người dân, vừa nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm ngay tại địa phương mà vẫn giữ được giá trị, bản sắc riêng có của một chiến khu cách mạng.

Về Tân Trào, về với cái nôi của cách mạng Việt Nam, trải qua hơn 7 thập kỷ, dấu vết thời gian đã hằn sâu lên những di tích nơi đây, nhưng khí thế của một thời kỳ lịch sử hào hùng vẫn luôn hiện hữu và cháy bỏng trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa đã hun đúc thêm lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của tuổi trẻ Báo Hà Giang trong việc góp sức dựng xây và bảo vệ quê hương, đất nước.

Bài, ảnh:  NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020; triển khai chương trình hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025
BHG - Sáng 30.9, tại Vĩnh Phúc, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, giai đọan 2016-2020; triển khai chương trình hỗ trợ, giai đoạn 2021-2025. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng gần 250 đại biểu đến từ 25 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố miền Bắc...
30/09/2022
Bay thử nghiệm khinh khí cầu tại thành phố Hà Giang
BHG - Trong các ngày từ 27 - 29.9, Sở Văn hóa TT&DL phối hợp Công ty TNHH Khinh khí cầu Quốc tế Ballooning và một số đơn vị, sở, ngành, thành phố Hà Giang tổ chức bay thử nghiệm khinh khí cầu tại Quảng trường 26.3. Được biết, đây là lần đầu tiên khinh khí cầu bay trên bầu trời thành phố Hà Giang.
30/09/2022
14 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc

Ngày 28-9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II-2022. Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-10 tại tỉnh Thái Nguyên, với sự tham gia của 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng từ 14 tỉnh có đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động diễn xướng các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Dao; trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực; trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa...


30/09/2022
“Làn gió tươi mới” trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao - Kỳ II: “Làn gió” của sự đổi mới
BHG - Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển bằng nhiều chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong đồng bào còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong hôn nhân, tang ma, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt gia đình và sản xuất. Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, cản trở sự phát triển KT-XH… dẫn tới nghèo đói!
29/09/2022