Tản mạn quê mùa

22:55, 22/10/2022

BHG - Ở ngay quê hương mà lâu nay chẳng mấy khi để ý nên chẳng biết quê mùa là như thế nào. Nên quê mùa trong quê mùa là đại quê mùa.

Tần ngần giữa cánh đồng chỉ còn rơm rạ. Tiếng máy tuốt lúa xa dần, xa dần. Mà hình như cái âm thanh, nhịp điệu ấy không phải chỉ riêng của máy tuốt lúa. Cách đây mấy tháng, tiếng máy cày, bừa, làm đất cũng xa dần theo kiểu như vậy. Và có lẽ đã nhiều năm, nhiều vụ lúa như vậy rồi. Tôi ngờ ngợ, mang máng.

Người dân xã Phương Độ Vị Xuyên phơi lúa mùa. Ảnh. Bang Phúc
Người dân xã Phương Độ Vị Xuyên phơi lúa mùa. Ảnh. Bang Phúc

Mường tượng và chắp vá lại “quy luật đường đi” của những âm thanh ấy lại thấy có điều gì đó. Tôi hỏi điều này với một anh bạn từng là cán bộ xã, nay đã nghỉ hưu. Anh ta lảng đi: Ồi chuyện quê mùa ấy mà. Tôi nghĩ chắc ông ấy quá quen với những âm thanh đó, giờ nghỉ ngơi lại có người hỏi “xoáy “ nên qua loa vậy. Tôi đem cái sự vương vướng này với ông bạn trực tiếp làm nghề nông nghiệp tại quê nhà. Ông ta mắng tôi, cái ông này: Bừa, gặt xong chỗ này là họ di chuyển thôi. Cấy trước thì được gặt trước, cấy sau gặt sau. Tiếng cày, bừa như thế nào thì tiếng gặt lúa, tuốt lúa đúng như thế. Đúng không nào? À mà này, ông chẳng làm ruộng ông không biết chứ, có thửa ruộng ở giữa phải cấy trước để cho những đám xung quanh làm, nếu không làm nhanh thì “khối” đấy mà có đường vào cấy nhé. Ông hiểu không. Tôi hiểu, nhưng... Chả nhưng cái gì. Ông hỏi buồn cười quá. Đúng là đi lâu rồi, giờ về quê cái gì cũng thấy lạ. Ông ấy còn đệm một câu nặng trịch: Đúng là hỏi quê mùa quá. Nghe ông bạn già giải thích, tôi đồng ý, nhưng chỉ một phần. Cái vương vướng trong người vẫn chưa được gãi đúng chỗ. Tôi nghĩ thôi thì máy tuốt lúa nó ít, cả làng tôi có non chục cái, lúa chín đến đâu gặt đến đó, nhu cầu tuốt cũng theo đó mà di chuyển, phải đợi đến lượt, phải đăng ký trước chứ còn máy cày, máy phay đất thì hầu như nhà nào cũng có. Tôi lại đem nó ra nói chuyện với đứa em thím. Thím ấy phá lên cười, làm tôi ngượng tái mặt. Nhưng rồi thím lại khen: Bác giỏi thật đấy, mới về quê, qua mấy vụ lúa mà bác đã biết cách làm ăn khác xưa ở quê mình rồi đấy. Tôi ậm ừ, tôi không hiểu nó như thế nào. Như để tôi hiểu hơn thím ấy cầm con dao thịt lợn, vẽ lên mặt phản nói một lèo.

Quê mình giờ chỉ còn những ông già, bà cả làm ruộng thôi. Bọn trẻ đi công ty hết rồi. Những người làm ruộng đều đã lên ông, bà cả rồi. Ơn trời là vẫn còn khỏe, còn gắng. những người trẻ đó là cán bộ xã, giáo viên, có ruộng thì tranh thủ, rồi báo cáo thủ trưởng về giúp chồng, bố mẹ lúc đang vụ, cũng là tăng thêm thu nhập bền vững cho gia đình. Mà số này hầu hết là thuê làm đất, thuê cấy, thuê phun thuốc trừ sâu bệnh, thuê gặt, thuê tuốt... Chỉ có lo làm mạ cấy, mạ ném và chở thóc về nhà thôi... Đó là lý do thứ nhất, vì cùng một lúc không thể “giúp “ được cả mấy nhà. Điều thứ hai rất quan trọng, liên quan đến vấn đề thứ nhất, đó là lao động hay còn gọi là “ăn thuê”. Họ là ai. Chính là những “ông già, bà cả” lao động chính còn lại trong xã. Tuổi khoảng trên năm mươi, già thì trên bảy mươi. Họ cấy thuê, gặt thuê, tuốt lúa thuê... Nói đến đây, có người đến mua thịt, thím ấy cắt, cân theo ý muốn của khách. Tôi hỏi thế thím có trong số đấy không. Thím trả lời: Em thuộc nửa làm ruộng, nửa “ba toa”.

- Vậy phần ruộng của những người cấy thuê kia như thế nào? Tôi hỏi.

- Đấy, nó là ở chỗ đấy đấy. Họ làm của họ trước, làm sớm nhất luôn. Vừa có lịch thời vụ là họ gần như đã hoàn thành, thời gian còn lại đi cấy thuê, gặt thuê... Thím ấy còn bảo có nhà họ làm ruộng qua loa, để còn thời gian đi làm thuê. Cả xóm luôn. Nên có người đã nhận xét lúa của xóm đó là xấu nhất. Kệ, họ quen rồi. Họ đi cấy thuê, gặt thuê từ đầu mùa đến hết mùa. Họ là những thợ lành nghề rồi. Họ nói không đi công ty được thì phải làm cách này thôi. Gặt bốn tiếng được một trăm nghìn, cấy thì được trả hơn và cũng tùy theo thỏa thuận. Bây giờ ngoài cái xóm đó đã thêm một, hai nhóm lao động như vậy ở các xóm và thôn khác... không như thế thì sao làm được ruộng bác ơi. Thím ấy khẳng định. Rồi tiếp: Cứ xóm trên xong thì mới có người giúp xóm dưới. Xóm trước cấy hái trước rồi mới đến xóm sau...

Hóa ra là vậy. Xưa làm ruộng hợp tác xã lần lượt làm từng khu ruộng. Khi giao ruộng cho người nông dân một thời nhà nào tự nhà ấy làm, lao động dư thừa. Đất nước đổi thay ngày càng khác xưa, trẻ đi công ty, già ở nhà làm ruộng cũng hình thành “canh ty” rồi. Tần ngần giữa cánh đồng chỉ còn rạ, rơm, tiếng máy tuốt xa dần cảm nhận cái quê mùa trong tôi thật là có lý.

Hoàng Kiệm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Việt Nam lọt top những quốc gia có nền ẩm thực ngon nhất thế giới

Việt Nam được độc giả tạp chí du lịch danh tiếng The Travel của Canada vinh danh là một trong những quốc gia có nền văn hóa ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới.


21/10/2022
Cảnh sắc như châu Âu trên “nóc nhà Đông Bắc”
BHG - Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên khối núi nguồn sông Chảy ở phía Tây tỉnh Hà Giang. Dãy núi Tây Côn Lĩnh trải dài trên hai huyện Hoàng Su Phì  và Vị Xuyên. Với độ cao 2.431m, đây là đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam, thường được gọi là "nóc nhà Đông Bắc". Trên dãy núi là rừng nguyên sinh á nhiệt đới còn được bảo tồn rất tốt. Mùa Thu, cảnh sắc rừng núi Tây Côn Lĩnh trở nên đẹp quyến rũ, tạo một cảm giác như mùa Thu ở châu Âu trên đất Hà Giang.
21/10/2022
9 câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh, tự tin, vượt khó của phụ nữ Việt Nam
Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đặt vị thế, vai trò của phụ nữ ngang với nam giới và cũng là một trong những lãnh tụ tiêu biểu của thế giới đề cao sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ.
20/10/2022
Người phụ nữ nặng lòng với du lịch
BHG - Là người “ngoại đạo” nhưng bén duyên với ngành Du lịch (DL), gần 20 năm gắn bó với DL Hà Giang từ những ngày đầu còn khó khăn đến khi DL đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chị Vừ Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến DL tỉnh, Tổng Thư ký Hiệp hội DL tỉnh đã dành tất cả tình yêu, tâm sức để mang đến những trải nghiệm và cảm xúc đặc biệt cho du khách khi đến Hà Giang.
20/10/2022