Độc đáo Lễ mừng cơm mới dân tộc Nùng
BHG - Vào tháng 9 hàng năm, khách du lịch khi đến huyện Hoàng Su Phì ngoài được tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn trên những sườn núi còn được trải nghiệm sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc, trong đó có Lễ mừng cơm mới của dân tộc Nùng.
Các thành viên tham dự buổi lễ quây quần ăn bữa cơm đoàn viên. |
Để thực hiện lễ thức này, việc quan trọng đầu tiên là gia đình tổ chức nghi thức đi đón lúa mới. Vào buổi sáng sớm, gia đình cử một người cùng với thầy cúng, còn gọi là Fư mó chuẩn bị một bó lúa cũ từ năm trước, một gói cám gạo, hai gói tro bếp gói trong lá dong tượng trưng cho 3 chiếc bánh chưng, một ống tre đựng nước sạch để lấy nước từ suối nguồn về nấu cơm và một bát gạo, một quả trứng gà cùng vàng hương. Khi đến ruộng, thầy cúng buộc các gói cám gạo và tro bếp vào gốc lúa rồi thắp hương xin lúa mới. Sau đó cắt một bó lúa mới cho vào gùi, lấy nước vào ống tre và lấy một cành cây gai đậy lên phía trên gùi để rước hồn lúa về nhà. Các bông lúa sau khi cắt tỉa được buộc thành những bó để gánh về nhà. Từ những bông lúa này tiếp tục chọn ra những bông to nhất buộc thành hai túm treo lên vách hai đầu bàn thờ trong suốt thời gian đến vụ thu hoạch năm sau. Số còn lại đem vò lấy thóc để làm cốm, xôi cốm hoặc đồ xôi để dâng lên Tổ tiên, trời đất.
Khi đến trước cửa nhà, thầy cúng thực hiện nghi thức cúng gọi hồn lúa ở sân phơi thóc, cùng với đó một thầy cúng khác cúng Tổ tiên ở bàn thờ trong nhà. Trong khi các thầy cúng thực hiện nghi lễ thì gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật để tổ chức lễ cúng cơm mới. Với những món được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi và cấy trồng như thịt gà, thịt lợn, các loại rau, củ, quả, thực phẩm, bánh trái… trong đó không thể thiếu được các vật phẩm là rượu, xôi và cá Chép ruộng. Để làm xôi, các gia đình lựa chọn những bông lúa nếp tốt nhất của vụ mới để xay giã thành gạo. Trong trường hợp gia đình đã chọn được ngày tốt để thực hiện nghi lễ mà lúa ngoài ruộng chưa chín không có đủ số thóc gạo mới để làm cốm hoặc nấu xôi thì có thể trộn lẫn một ít gạo cũ để nấu hoặc có thể dùng một vài bông lúa mới đặt vào trong nồi xôi gạo cũ để lấy tinh chất hương hoa của hạt lúa mới dâng lên Tổ tiên.
Xôi trong lễ cúng cơm mới của dân tộc Nùng thường có nhiều màu được chiết xuất từ các loại lá từ trên rừng còn gọi là lá chẳm. Tùy theo từng thôn bản và từng gia đình mà số màu sắc của xôi có nhiều hay ít khác nhau, nhưng không thể thiếu 2 màu chủ đạo là màu đỏ và màu xanh lam. Xôi được đồ chín trong những chiếc chõ gỗ, sau đó đơm vào đĩa và bày lên bàn thờ cùng với các vật phẩm khác.
Trong khi chờ thầy cúng làm thủ tục tế lễ và gia đình nấu nướng chuẩn bị cỗ thì gia chủ lấy xôi cốm hoặc xôi ngũ sắc gói vào lá chuối để mời khách ăn lót dạ. Kết thúc lễ cúng tất cả các thành viên tham dự lễ và khách gần xa cùng nhau quây quần ăn bữa cơm đoàn viên.
Do tập quán sống quần cư cũng như tinh thần tương trợ cộng đồng mà dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì đến nay vẫn giữ được tập quán đổi công, giúp đỡ nhau trong sản xuất, những dịp có công to việc lớn như làm bờ, cấy, thu hoạch lúa hoặc trong những dịp lễ, Tết. Chính vì vậy, Lễ cúng mừng cơm mới thường được các gia đình dân tộc Nùng tổ chức trong ngày thu hoạch lúa với sự tham gia của vài chục người trong thôn xóm, nếu vì những lý do bất khả kháng như đã chọn được ngày tốt nhưng lúa chưa chín hoặc vào ngày mưa gió thời tiết không thuận tiện thì gia đình vẫn tổ chức nhưng với quy mô nhỏ.
Có thể nói, Lễ cúng mừng cơm mới là một nghi thức tiêu biểu trong hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng liên quan chặt chẽ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân tộc Nùng. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh giá trị cây lúa là loại cây nông nghiệp quan trọng nhất trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng người Nùng. Bên cạnh đó, lễ cúng cơm mới còn là dịp để các gia đình thể hiện sự hiếu kính với Tổ tiên và giáo dục cho thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc. Chính vì vậy, lễ thức này luôn được các thế hệ người Nùng huyện Hoàng Su Phì bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.
Bài, ảnh: Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)
Ý kiến bạn đọc