Về Bản Díu ăn Tết Khu Cù Tê
BHG - Xã Bản Díu (Xín Mần) nằm trên dãy núi Gia Long vốn được coi là cái nôi của người dân tộc La Chí - một dân tộc thiểu số ít người có văn hóa và phong tục mang dấu ấn riêng biệt trên mảnh đất Hà Giang. Tháng 7 này, người La Chí khắp mọi miền đều ăn Tết Cổ truyền của dân tộc Tết Khu Cù Tê độc đáo mang bản sắc riêng có của người La Chí.
Nghi thức đánh chiêng và trống trong Lễ cúng dâng lễ vật cho thần linh và Tổ tiên của người La Chí. |
Cùng với những người bạn, chúng tôi đến xã Bản Díu vào dịp Tết Khu Cù Tê để hòa mình vào không khí của một trong hai cái Tết đặc biệt nhất trên đất Hà Giang. Nếu Lễ hội Gầu Tào là một ngày lễ, Tết quan trọng nhất của dân tộc Mông thì Tết Khu Cù Tê là Tết lớn nhất của người La Chí. Người La Chí gọi mình là “Cù Tê” có nghĩa là “Người mình”. Tết Khu Cù Tê của người La Chí được tính từ ngày mồng một tháng 7 Âm lịch và ăn Tết đến ngày 15.7 Âm lịch. Nếu năm nào có nhuận hai tháng 4 thì cộng dồn, Tết của người La Chí sẽ được tổ chức vào tháng 6 Âm lịch. Trước ngày Tết hai, ba hôm, các hộ gia đình đi phát quang, dọn cỏ các ngôi mộ và thông báo cho Tổ tiên biết ngày mở Tết, dặn người chết không được đi đâu và chờ trưởng họ mời về ăn Tết. Các hộ gia đình chuẩn bị nấu rượu uống và rượu Hoẵng để cúng. Rượu Hoẵng là một loại rượu được làm rất kỳ công, rượu có màu trắng đục, vị ngọt thơm. Các gia đình chọn gạo nếp thơm ngon, nấu lên để nguội, đem ủ cùng một loại men cổ truyền gồm 12 thứ lá lấy ở trên rừng. Sừng trâu là vật không thể thiếu trong lễ cúng của người La Chí, sừng trâu được rửa sạch rồi đem đi phơi nắng, cưa ngắn bớt phần cuối sừng và khoan một lỗ tại phần nhọn của sừng, sỏ một sợi dây để treo. Sừng trâu (Khâu vài) được treo cùng chiếc giỏ (La mổ) và một củ gừng ở gian giữa của ngôi nhà, đó chính là bàn thờ Tổ tiên của người La Chí. Theo phong tục truyền thống của người La Chí, họ chỉ thờ cúng những người đã mất tính từ 3 đời trở lại, những linh hồn này sẽ được mời về khi cúng tại nhà trưởng tộc của các dòng họ. Các gia đình tập trung tại nhà trưởng tộc, khi đi mang theo một chai rượu, một gói xôi, một miếng thịt. Các thành viên mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình, những người được trưởng tộc chỉ định sẽ ngồi xung quanh một mâm gỗ có các giỏ đựng, gói xôi, gói thịt. Ngày Tết cuối, dân làng tập trung tại một khu đất rộng nơi dựng căn nhà cộng đồng “Khu Cù Tê” làm lễ đánh trống, để tiễn Tổ tiên về lại thế giới bên kia. Căn nhà này được dựng từ nhiều đời trước, nhà có 8 cột, 2 mái, có sàn, bên trong có một mâm gỗ đặt xương sọ và sừng trâu. Theo quan niệm của người La Chí, ngôi nhà này rất thiêng liêng, không ai được phép phá huỷ hoặc làm tổn hại đến căn nhà này.
Trò chơi dân gian trong Lễ hội Hoàng Vần Thùng của người La Chí, xã Bản Díu. |
Tết Khu Cù Tê ở Bản Díu còn gắn với lễ hội Hoàng Vần Thùng nhằm tưởng nhớ người Tộc trưởng đã truyền dạy nghề nông cho người La Chí. Hoàng Vần Thùng được cộng đồng người La Chí coi như một vị thần bảo hộ, mỗi nơi có người La Chí sinh sống đều thờ cúng vị tù trưởng này cùng với Tổ tiên. Riêng ở Bản Díu, nơi còn lưu lại những vết tích gắn với sự nghiệp và huyền thoại về ông thì bà con lập đền thờ riêng trên núi Nam Lim bên cạnh ngôi mộ được coi là mộ chính của ông. Hằng năm bà con khắp nơi tụ về tổ chức dâng lễ cúng cầu mong bình an và mùa mang bội thu.
Tết Khu Cù Tê là một di sản văn hóa mang bản sắc của cộng đồng dân tộc La Chí, thông qua đó tính cố kết của cộng đồng được bền chặt qua nhiều thế hệ. Tết Khu Cù Tê là dịp những người trong dòng họ có dịp gặp nhau, nhiều người ở xa cách Bản Díu hàng trăm km đến ngày Tết lại quay trở về sum họp với gia đình, dòng tộc của mình, cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, nhớ ơn Tổ tiên, đồng thời cầu cho cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc, chính vì vậy mà cộng đồng dân tộc La Chí trong truyền thống không thể bỏ được Tết này.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc