Nông dân xuất sắc 2022 đến từ Hà Giang là người làm du lịch giỏi ở bản Lô Lô Chải đẹp như mơ
Buổi sáng ở miền biên viễn cực Bắc của Tổ quốc, vợ chồng Sình Dỉ Gai ngồi trước hiên nhà trình tường cổ kính, họ pha sẵn ấm trà, gọt những trái lê chờ đón chúng tôi. Sau cái bắt tay ấm tình, anh say sưa tâm sự về bản thân mình và sự đổi thay của bản Lô Lô Chải đẹp như mơ.
Cùng bộ đội biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới
Sau gần 1 giờ chạy xe máy từ trung tâm thị trấn, mải mê ngắm đèo mây, gió núi bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) cũng dần hiện ra trước mắt chúng tôi - một bản làng đẹp thơ mộng như miền cổ tích.
Buổi sáng ở bản Lô Lô Chải, mảnh đất vùng biên viễn cực Bắc của Tổ quốc, vợ chồng Sình Dỉ Gai ngồi trước hiên nhà trình tường cổ kính, họ pha sẵn ấm trà, gọt những trái lê chờ đón chúng tôi.
Sau cái bắt tay ấm tình, anh say sưa tâm sự về bản thân mình và sự đổi thay của bản Lô Lô Chải - nơi anh gắn bó gần nửa đời người.
Anh Sình Dỉ Gai - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 say sưa kể cho chúng tôi nghe về bản thân mình và sự đổi thay khó tin của bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) |
Anh bảo, bản Lô Lô Chải nằm nép mình dưới chân núi Rồng, cách Cột cờ Quốc gia Lũng Cú chỉ hơn 1km. Đây là nơi sinh sống, bám rễ của đồng bào dân tộc người Lô Lô, người Mông đã từ bao đời nay. Sinh ra ở mảnh đất biên cương, bốn bề núi đá trùng điệp nên anh thấu hiểu những gian truân, khó khăn, vất vả của đồng bào nơi đây.
Từ năm 2011 trở về trước đời sống của đồng bào ở bản Lô Lô Chải vô cùng khó khăn, quanh năm chỉ biết dựa vào cây ngô, cây lúa (nhưng diện tích lúa không nhiều) được trồng trong những hốc đá tai mèo. Đến mùa giáp hạt, trong nhà mèn mén cũng chẳng có để ăn chứ nói gì đến no cái bụng.
"Địa hình gồ ghề, chủ yếu là đá tai mèo sắc như dao, đường xá đi lại khó khăn, khí hậu lại khắc nghiệt, đồng bào sống theo phương thức tự cung tự cấp nên rất khó khăn, dường như ở Lô Lô Chải họ thu mình lại với thế giới bên ngoài", anh Sình Dỉ Gai hồi tưởng.
Vợ chồng anh Sình Dỉ Gai, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) trò chuyện với chúng tôi về cách làm du lịch của người đồng bào Lô Lô. |
Kể về mình, anh nhớ lại, 22 tuổi lấy một cô gái dân tộc Lô Lô ở cùng bản Lô Lô Chải. Sau khi về một nhà, ngày ngày hai người lên nương, chồng dùng tay đào đất ở trong từng hốc đá, vợ địu con nhỏ trên lưng đi theo sau tra từng hạt ngô, cây bí...Từ sáng sớm đến tối mịt họ mới làm xong được một khoảnh ruộng nhỏ.
"Ở đây dường như lúc nào cũng bao phủ một màu xám xịt của đá. Trên nền đá xám ấy, cây cỏ, vạn vật, con người lúc nào cũng phải vật lộn để sinh tồn", Sình Dỉ Gai tâm sự.
25 tuổi Sình Dỉ Gai xin vào làm dân quân xã, dần dà được lên làm Đội trưởng. Cứ mỗi tuần, từ 2 đến 3 lần anh cùng bộ đội biên phòng, công an xã đi tuần tra biên giới. Anh nhớ lại, có lần đi tuần tra thấy người dân trồng ngô vượt sang đất của nước bạn, nên phải chụp ảnh lại để tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhổ bỏ.
Bản Lô Lô Chải nằm nép mình dưới chân núi Rồng, cách Cột cờ Quốc gia Lũng Cú chỉ hơn 1km. Đây là nơi sinh sống, bám rễ của đồng bào dân tộc người Lô Lô, người Mông. |
Để yên tâm khi mỗi lần chồng đi tuần tuần tra biên giới, vợ anh phải chuẩn bị cơm nắm, nước uống từ ngày hôm trước. Từ trung tâm xã đi tuần tra các mốc biên giới 422 và 428 dài chừng 3km nhưng đường đi rất hiểm trở và nguy hiểm, trên là vách núi đá tai mèo sắc lẹm, dưới là vực sâu thẳm, có lần đi tuần tra trở về thì trời tối mịt, nên người sau cầm thật chắc tay người trước dò đường để đi, hôm ấy về đến trụ sở UBND xã thì đã nửa đêm.
Sau 4 năm tham gia vào dân quân xã, tham gia cùng bộ đội biên phòng, công an xã đi tuần tra đường biên, mốc giới. Năm 2008 anh được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Lô Lô Chải. Tính đến nay đã là 14 năm trên cương vị đứng đầu của thôn.
Anh chia sẻ, từ khi được bầu làm Trưởng thôn Lô Lô Chải số lần đi tuần tra biên giới cũng ít dần đi, thay vào đó, anh cùng với người dân trong bản "tìm hướng" đi để phát triển kinh tế, chứ không thể trông chờ mãi vào cây ngô, cây lúa.
Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư Lô Lô Chải. |
Người trưởng thôn tiên phong làm du lịch
Dẫn chúng tôi đi thăm ngôi nhà trình tường để đón khách du lịch, anh kể, trước đây, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, song cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. May mắn có năm nhà được mùa ngô, bán lại được giá thì mới đủ ăn. Năm nào mùa màng kém thì thiếu đói 3 đến 4 tháng.
Kể về bước ngoặt đến với làm du lịch của mình, Sình Dì Gai chia sẻ, đó là vào năm 2011, một vị cán bộ của Đại sứ quán Luxembourg lên đây du lịch, họ trầm trồ trước vẻ đẹp của bản Lô Lô Chải. Còn về phía mình - Sình Dì Gai hồn nhiên như cây ngô trồng trong hốc đá tai mèo xám xịt kia nói rằng, "tôi sống ở đây chả thấy gì đẹp mà các ông lại khen đẹp".
Anh Sinh Dỉ Gai (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với khách du lịch về bản Lô Lô Chải. |
Anh bảo, sau đó họ có làm việc với tỉnh và tài trợ cho 3 gia đình làm dịch vụ homestay, trong đó có nhà tôi. Nhưng 2 nhà hàng xóm của tôi thất bại, chỉ có mình là làm được.
Để tập tọe làm du lịch, năm 2011, Sình Dỉ Gai sửa sang lại một gian bên bếp và gian nhà chính. Không nghĩ sẽ có khách du lịch nên anh cũng không đầu tư nhiều nên phòng cũng chỉ lưu trú được 6 khách. Thế rồi, khách ngày càng lên nhiều nên nhà không đủ phòng để lưu trú.
Đến năm 2013, khách du lịch lên đông nên khu lưu trú của Sình Dỉ Gai không có chỗ ngủ, từ thành công ban đầu giúp anh nhận ra tiềm năng phát triển du lịch. Thấy khách càng đông lên, năm 2014 anh làm thêm 1 ngôi nhà theo truyền thống của dân tộc Lô Lô nữa. Đến năm 2017, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, anh đầu tư tiếp 1 nhà nghỉ homestay và 1 nhà ăn cho khách. Hiện anh đã có 3 khu homestay.
Nhận thấy anh Sình Dỉ Gai phát triển dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ khác trong thôn cũng học tập làm theo. Hiện nay, toàn bộ thôn Lô Lô Chải có 104 hộ là người Lô Lô và 10 hộ đồng bào Mông thì đã có 30 hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay.
Anh Sình Dỉ Gai (thứ 2 bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng khách du lịch: |
Với những hộ không có điều kiện làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay, thì họ sẽ nuôi lợn, gà, trồng rau cung cấp cho những hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay để phục vụ khách du lịch. Hiện, tính trung bình mỗi tháng, bản Lô Lô Chải đón hơn 1.000 lượt khách lưu trú, nhất là vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như “cháy” phòng.
Anh Sình Dỉ Gai cũng chia sẻ, trước đây khi chưa làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay thì đường vào bản rất xấu và nhỏ. Nhưng từ khi làm du lịch, và là Trưởng thôn nên anh đã tiên phong hiến đất mở đường, sau đó vận động người dân trong bản cùng hiến đất. Giờ đây những con đường trong bản Lô Lô Chải đã được mở rộng, hai bên đường trồng hoa rất đẹp.
Cùng vì tiềm năng và lợi thế làm du lịch ở bản Lô Lô Chải mà dạo trước có vài người khách du lịch từ Hà Nội lên gạ Sình Dỉ Gai bán khu homestay chính với giá 8 tỷ đồng nhưng anh lắc đầu. Sình Dỉ Gai nói với tôi: "Mình sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời với mảnh đất này, nên không muốn bán đi bất kỳ thứ gì cả. Mình để lại sau này con, cháu còn có cái duy trì cuộc sống, rồi còn văn hóa của dân tộc mình dễ gì mà bán đi được".
Bản Lô Lô Chải đẹp thơ mộng như miền cổ tích nhìn từ trên cao. |
Nói xong thì Sình Dỉ Gai liền khoe với tôi, anh có 2 người con, người con trai thì đang ở nhà làm cùng bố mẹ, còn người con gái đang học Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Sau khi học xong cũng sẽ trở về bản Lô Lô Chải để làm du lịch cùng gia đình.
Không chỉ tiên phong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ làm nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay, anh Sình Dỉ Gai còn đi đầu trong việc phát triển các dịch vụ du lịch như ăn uống, khám phá nét đẹp văn hóa của người Lô Lô…Thu nhập của gia đình anh vì thế năm sau cao hơn năm trước.
Anh cho biết, năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu giảm sút. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được dịch bệnh nên từ đầu năm tới nay lượng khách đến lưu trú đã n
Khách du lịch lưu trú tại homestay của anh Sình Dỉ Gai sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc cũng như cảm nhận về văn hóa của đồng bào Lô Lô. |
Sình Dỉ Gai tâm sự, điều mà anh cùng người dân trong bản vui mừng, đó là khách du lịch khi đến với Lô Lô Chải đều thích quay trở lại nhiều lần, bởi theo những du khách đến đây đều nói rằng, nơi đây có sức hút kỳ lạ, khí hậu rất mát mẻ, phong cảnh đẹp, người dân thân thiện và đặc biệt bởi văn hóa địa phương đặc sắc.
Anh cũng chia sẻ với tôi rằng, từ khi làm du lịch, kinh doanh homestay đã giúp cho đời sống người dân ở bản Lô Lô Chải thay đổi, nhận thức được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh, nhà cửa khang trang và xe máy đi lại.
“Có được những thành quả như thế này, người dân chúng tôi vừa vui mừng và cũng rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Để cuộc sống của đồng bào ngày càng đầy đủ, ấm no hơn đồng bào ở bản Lô Lô Chải chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn trong chăn nuôi, sản xuất, làm du lịch để phát triển kinh tế gia đình tốt hơn, để cùng nhau đưa quê hương ngày càng phát triển đi lên”, anh Sình Dỉ Gai chia sẻ.
Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm và luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch đối với mọi người. Năm 2022, anh Sùng Dỉ Gai đã vinh dự là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc có mô hình làm du lịch homestay hiệu quả, giúp đỡ và tạo nhiều việc làm cho người dân trong bản Lô Lô Chải, góp phần vào xây dựng Nông thôn mới và bảo vệ Tổ quốc. Ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đánh giá, anh Sình Dỉ Gai là người tiên phong làm du lịch ở bản Lô Lô Chải. Từ thành công của anh, nhiều hộ dân trong bản đã học tập, làm theo. Bên cạnh đó, anh còn là người có đóng góp rất tích cực trong xây dựng Nông thôn mới tại địa phương. "Nhờ làm du lịch homestay cuộc sống của đồng bào ở bản Lô Lô Chải đã thay da đổi thịt, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa và nhiều phong tục, tập quán của người dân tộc Lô Lô", Ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang chia sẻ. |
Theo danviet.vn
Ý kiến bạn đọc