Hướng tới trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu vùng Cao nguyên đá
BHG - Mèo Vạc là huyện nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã nỗ lực làm tốt công tác bảo tồn văn hóa, đặc biệt là bảo tồn kiến trúc truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vùng công viên địa chất. Để đảm bảo được nhiệm vụ vừa phát triển vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ vững danh hiệu, tỉnh Hà Giang vừa ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị huyện Mèo Vạc nhằm kiểm soát việc xây dựng, khai thác, sử dụng công trình mới, công trình cải tạo đô thị theo quy hoạch chung xây dựng thị trấn Mèo Vạc - Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu thuộc CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trung tâm huyện Mèo Vạc. Ảnh: PV |
Quy chế là cơ sở để xác lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị đối với khu vực chưa có quy hoạch, thiết kế đô thị. Cung cấp thông tin quy hoạch; giấy phép xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan; thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm hành chính về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; kiểm soát việc xây dựng, chỉnh trang phát triển thị trấn, bảo vệ kiến trúc truyền thống bản địa. Nguyên tắc quản lý tuân thủ theo đồ án quy hoạch chung xây dựng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Mèo Vạc. Trong đó định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan đảm bảo định hướng phát triển cho thị trấn Mèo Vạc trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện Mèo Vạc và là trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu thuộc CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn. Tạo lập được môi trường sống tiện nghi, an toàn và bền vững, nâng cao nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
Quy định đối với khu đô thị hiện hữu đang phát triển tập trung trong khu vực thung lũng, phát triển dọc theo trục đường giao thông chính, đây là khu vực phát triển với mật độ cao, hạn chế xây dựng mới, bổ sung diện tích đất dự trữ phát triển định hướng cho tương lai. Vùng phát triển hiện hữu khu vực trung tâm thị trấn hạn chế tăng tầng cao và mật độ xây dựng, tập trung nâng cấp và cải tạo mỹ quan đô thị; các công trình nhà ở giữ nguyên hiện trạng về tầng cao, việc xây mới đối với công trình nhà ở, công trình du lịch dịch vụ thương mại tầng cao tối đa 4 tầng. Cải tạo nâng cấp về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật để cải thiện và nâng cao môi trường sống cho người dân. Các tuyến đường dân cư sinh sống có mật độ xây dựng nhà ở dày đặc, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, hiệu quả về cải tạo, chỉnh trang thấp thực hiện lập hoặc điều chỉnh kiến trúc theo hướng giữ nguyên hiện trạng, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân sinh sống ổn định lâu dài, không gây xáo trộn. Khuyến khích xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như công viên, vườn hoa, công trình giáo dục, công trình dịch vụ y tế công cộng phục vụ khu dân cư, các công trình thương mại dịch vụ đa chức năng quy mô nhỏ và vừa phục vụ khu dân cư. Các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị đồng bộ, trọn ô phố, hạn chế các dự án khoét lõm quy mô nhỏ. Hạn chế việc chuyển đổi chức năng nhà ở sang thương mại dịch vụ trên những trục đường không phải thương mại dịch vụ và không bảo đảm công năng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Hạn chế tầng cao xây dựng trong khu dân cư, hạn chế xây dựng các công trình nhà ở cao tầng và các công trình thương mại dịch vụ quy mô lớn trên các khu đất nhỏ hơn 500m2, trên tuyên đường có lộ giới nhỏ hơn 9,5m trong các khu dân cư hiện hữu. Nghiêm cấm xây dựng các công trình nhà ở tạm bợ trong khu vực. Công trình xây dựng mới cần đảm bảo hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan xung quanh, tương xứng với không gian trục đường, đóng góp vào việc hình thành bộ mặt kiến trúc cho đô thị.
Đối với khu vực xây dựng mới, bổ sung khu vực xây dựng công trình hợp khối các cơ quan tầng cao tối đa 4 tầng, đảm bảo tập trung và hoàn thiện chức năng hành chính của toàn huyện Mèo Vạc. Bổ sung phát triển đất công cộng, chợ, bãi đỗ xe đảm bảo phục vụ dân cư và nhu cầu của du khách. Xây dựng mới các khu ở mật độ thấp kết họp dịch vụ du lịch homestay, công trình dịch vụ thương mại nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh cho khu vực.
Đối với các khu trung tâm hành chính - chính trị, không gian công cộng trung tâm thị trấn gồm nhà công sở, công trình thể thao, văn hoá, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế xây dựng mới trong khu dân cư đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị được duyệt. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy định quy hoạch, kiến trúc phải căn cứ quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kết nối hạ tầng, thuận tiện cho việc tập kết, giải tỏa người và phương tiện giao thông. Công trình xây dựng mới cần đảm bảo hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan xung quanh, tương xứng với không gian trục đường, đóng góp vào việc hình thành bộ mặt kiến trúc cho đô thị…
Đối với các khu vực khác giáp ranh đảm bảo tuân thủ các quy định quản lý về mật độ xây dựng, diện tích lô đất, tầng cao công trình, chỉ giới xây dựng và khoảng lùi theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Mèo Vạc, các tuyến đường mở mới được quy định về lộ giới và khoảng lùi cụ thể.
Đối với khu vực nông - lâm nghiệp tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn theo quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng các khu vực phát triển đô thị đã được xác định trong quy hoạch chung thị trấn. Xây dựng mô hình khu ở nông thôn phù hợp với điều kiện địa hình từng khu vực, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Hạn chế tối đa việc chuyển đổi chức năng các khu vực đất nông nghiệp và đất dành cho hệ thống cây xanh, công viên của thị trấn…
Tin tưởng rằng, với quy chế quản lý kiến trúc đô thị là cơ sở quan trọng để huyện Mèo Vạc định hướng phát triển KT-XH của một đô thị đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phù hợp với quy hoạch chung vùng CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nguyễn Hoài (Sở Văn hóa, TT&DL)
Ý kiến bạn đọc