Thành phố Hà Giang đẩy lùi hủ tục, xây dựng môi trường sống hấp dẫn
BHG - Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh, thành phố Hà Giang có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng biệt, tạo cho thành phố một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển KT- XH, diện mạo thành phố có nhiều đổi mới, trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, gây mất an ninh trật tự.
Hát giao duyên - nét đẹp văn hóa của người Dao áo dài thôn Cao Bành, xã Phương Thiện. |
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ thành phố về lãnh đạo phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, giai đoạn 2021 - 2025; các cấp, ngành trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nội dung tuyên truyền bao gồm các văn bản pháp luật; công tác dân tộc, chính sách dân tộc; vận động bà con xóa bỏ các luật tục lạc hậu, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ mê tín, dị đoan, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển KT - XH; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí… Cùng với đó, các xã, phường ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo về việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân, giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đến các tổ chức ở cơ sở, từng đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa - văn nghệ để người dân được tiếp cận những nét văn hóa mới, tiến bộ... Qua đó nhận thức phần lớn người dân được nâng lên, ý thức được mặt trái của các hủ tục, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ.
Do có sự tập trung chỉ đạo và công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng sự vận động của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đến nay, cơ bản đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đã biết chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện nếp sống văn hoá, ăn, ở hợp vệ sinh, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhận cận huyết; một số hủ tục từng bước được loại bỏ, điển hình như: Các cặp vợ chồng kết hôn đúng độ tuổi, không có hôn nhân cận huyết thống, không thách cưới cao và tổ chức đám cưới dài ngày gây tốn kém lãng phí, đăng ký kết hôn trước khi tổ chức lễ cưới, không dựng rạp cưới dưới lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Các hoạt động của lễ hội bảo đảm theo đúng truyền thống, văn minh, lành mạnh, an toàn tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. Các ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai nhiều phong trào thiết thực như: Mặt trận Tổ quốc với phong trào “Nói không với rải vàng mã xuống đường, hoạt động ban nhạc hiếu quá giờ quy định”; Hội Liên hiệp phụ nữ với phong trào “Nói không với cưới lớn, hôn nhân cận huyết thống”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Nói không với làm ma to, tổ chức lễ hội linh đình”; Hội Nông dân với phong trào “Nói không với việc để thi hài người chết dài ngày, chôn người chết nơi đầu nguồn nước”; Đoàn Thanh niên tổ chức phong trào “Nói không với tệ nạn xã hội, nạn tảo hôn”…
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của thành phố tiếp tục cụ thể hoá chương trình hành động, phối hợp với UBND 8 xã, phường tổ chức hội nghị gặp mặt các thầy tạo, thầy mo, thầy cúng, người có uy tín trên địa bàn để thống nhất rà soát, bổ sung các nội dung cần cải tiến, phát huy, các nội dung cần xoá bỏ để đưa vào hương ước, quy ước phù hợp với thực tiễn của thôn, tổ dân phố. Tiếp tục phát động phong trào thực hiện xoá bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hoá trong nhân dân; mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể phát động các phong trào cụ thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong việc thực hiện bài trừ các thủ tục, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và gia đình”…
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân, phong tục tập quán lạc hậu được đẩy lùi, sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hà Giang đạt tiêu chí đô thị loại II, dần trở thành thành phố dịch vụ, có môi trường sống hấp dẫn.
Bài, ảnh: Trọng Đạt
Ý kiến bạn đọc