Người uy tín Thào Đức Thính gương mẫu xóa bỏ hủ tục
BHG - Thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) với 100% là đồng bào dân tộc Mông, người dân sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, bám nương rẫy và trồng giống cây truyền thống, nên cuộc sống nơi đây từng rất khó khăn. Dưới ánh sáng của Đảng, sự vận động của chính quyền và đặc biệt là những đảng viên gương mẫu đi đầu, trong đó có bác Thào Đức Thính đã đưa những tư tưởng tiên tiến, hiện đại để đẩy lùi phong tục lạc hậu, mang đến cho cuộc sống nơi đây diện mạo mới.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt của bác Thào Đức Thính cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. |
Trâu, bò có chuồng kiên cố và được nhốt xa nhà, nhà cửa luôn sạch sẽ, ngăn nắp; trẻ nhỏ được đến trường, được chăm sóc đầy đủ. Một số phong tục lạc hậu đã được loại bỏ như: Tục bắt vợ, tảo hôn; người chết được đưa vào áo quan; đám cưới, đám ma không còn nặng về lễ vật; đám ma không để quá 48 tiếng… Có được điều này, là sự vào cuộc mạnh mẽ, bám cơ sở, tích cực vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương và những người tiên phong đi đầu đưa điểm mới, những văn hóa tiên tiến vào gia đình và vận động người dân cùng tham gia. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Ngọc, cho biết: Nhằm thực hiện Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã xác định lựa chọn những người uy tín, đảng viên sẽ là lực lượng chính. Bởi vậy, tại thôn Lùng Càng, bác Thào Đức Thính là một đảng viên ưu tú luôn đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động của xã, bác còn là đảng viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, người uy tín trong việc vận động người dân.
Người dân ký cam kết thực hiện đời sống văn hóa mới. |
Những hủ tục ăn sâu trong suy nghĩ, thói quen của đồng bào, làm cho đời sống nhiều gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, nghèo đói hơn. Vì vậy, để loại bỏ những hủ tục ra khỏi đời sống của người dân vùng cao là việc làm không hề đơn giản. Xác định vấn đề cốt lõi là nâng cao nhận thức của nhân dân, bác Thào Đức Thính đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động… Bác Thính chia sẻ: Tâm lý của phần đông đồng bào dân tộc Mông là chỉ tin vào những điều “mắt thấy, tai nghe”. Do đó, những việc làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người uy tín trong bản, trong dòng họ đối với việc xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng văn hóa mới sẽ có giá trị thuyết phục to lớn trong vận động bà con làm theo.
Bởi vậy để người dân nghe theo mình, trước tiên là bản thân phải tiên phong, phải làm gương để mọi người thấy và làm theo. Bản thân bác Thính là một đảng viên được ra xã, lên huyện học tập, thấy được những điều hay nên đã về và triển khai tại gia đình. Việc đầu tiên là tiến hành nuôi trâu, bò nhốt và tích cực vận động nhân dân trong thôn thực hiện. Qua đó, đến nay 100% hộ dân trong thôn có chuồng và trồng cỏ chăn nuôi. Bên cạnh đó tích cực tuyên truyền người dân về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ rừng, đồng thời vận động người dân đẩy lùi các hủ tục, phong tục lạc hậu. Từ năm 2021 đến nay, bác Thính đã vận động 2 hộ đưa người chết vào áo quan, tiến hành các nghi lễ nhanh chóng, giảm thiểu lãng phí…”.
Đánh giá về vai trò của bác Thính, đồng chí Thào Tranh Luận, Bí thư Chi bộ thôn Lùng Càng cho biết: “Hiện nay đường vào thôn đã được rải nhựa, cùng với đó người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo là giữ gìn cảnh quan. Đặc biệt nội dung được cho là khó khăn nhất đó là vận động người dân bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu. Để người dân làm theo, bác Thào Đức Thính đã xung phong đi đầu tại chính gia đình của mình, với việc đưa người chết vào áo quan, giảm bớt các thủ tục… Từ việc nhận thấy sự thay đổi không ảnh hưởng đến cuộc sống, nên 100% người dân trong thôn đã đồng tình ký thực hiện quy ước, cam kết bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu tại thôn”.
“Tôi rất vui vì đã góp một phần công sức nhỏ bé đẩy lùi các hủ tục; mong muốn từ những thay đổi này sẽ tạo bước đệm để bà con trong thôn có cuộc sống sung túc và có nhiều hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình”... Bác Thào Đức Thính chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc