Kết nối tuyến du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn với non nước Cao Bằng
BHG - Để chuẩn bị cho công tác tái đánh giá Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản trên vùng Công viên Địa chất. Trong đó, tỉnh đang triển khai xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới nhằm kết nối 2 CVĐCTC giữa tỉnh Hà Giang và Cao Bằng.
Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn khảo sát nhà cổ tại tỉnh Cao Bằng. |
Trưởng Ban Quản lý CVĐCTC CNĐĐV, Hoàng Xuân Đôn, cho biết: Hiện thực hóa nội dung thỏa thuận kết nghĩa và hợp tác giữa CVĐCTC Non nước Cao Bằng và CVĐCTC UNESCO tháng 5/2019. Căn cứ khuyến nghị của chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu về hợp tác phát triển giữa 2 CVĐC. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp khảo sát, đề xuất xây dựng con đường du lịch trải nghiệm số 5 kết nối CVĐCTC UNESCO CNĐ ĐV với CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, xây dựng liên kết sản phẩm du lịch địa chất. Qua đó, thúc đẩy kết nối, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa tỉnh Hà Giang và Cao Bằng.
Theo đó, các chuyên gia đã xây dựng tuyến du lịch số 5 dự kiến phát triển theo 2 tuyến đường. Tuyến đường số 1 từ thị trấn Mèo Vạc - Niêm Sơn - Niêm Tòng nằm trên Quốc lộ 4C, với các địa điểm du lịch như: Hang Sán Tớ (thị trấn Mèo Vạc); điểm ngắm toàn cảnh thôn Sán Tớ (thị trấn Mèo Vạc); đường mòn đi bộ vào khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán; Thác Trắng (xã Tát Ngà); thôn Bản Tồng, thôn Niêm Đồng (xã Niêm Sơn). Đây là tuyến du lịch có đường giao thông thuận tiện, dễ di chuyển, chất lượng đường còn tốt, sóng Internet mạnh. Kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc Tày tại thôn Bản Tồng, xã Niêm Sơn được giữ gìn, bảo tồn tốt.
Tuyến đường du lịch số 2 dự kiến từ thị trấn Mèo Vạc - Giàng Chu Phìn – Cán Chu Phìn - Lũng Pù - Khâu Vai - Niêm Tòng. Đây là tuyến đường có đường mòn đi bộ vào khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, Hố sụt (thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc); nghề thủ công đan lát, thôn Cán Chua Đớ (Giàng Chu Phìn); HTX Gia Hoàng; Hóa thạch Huệ biển (thôn Làn Chải, xã Lũng Pù); Hoang mạc đá (xã Lũng Pù); Mê cung đá, miếu Ông, miếu Bà (xã Khâu Vai); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai; chợ Phong lưu (Khâu Vai); Lòng hồ Thủy điện Bảo Lâm 3 (xã Khâu Vai); Hợp tác xã Du lịch – Dịch vụ nuôi thủy sản Châu Kiệt (xã Khâu Vai); Hợp tác xã tinh dầu xả Java (xã Khâu Vai); Điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hồ thủy điện Bảo Lâm 3 (xã Niêm Tòng); thôn Cốc Pại 1 (Niêm Tòng); Điểm dừng chân ngắm toàn cảnh sông Nhiệm (Ngã 3 thôn Nà Cuổng, xã Niêm Tòng)… Với các cụm, điểm di sản địa chất, di sản văn hóa, di sản tự nhiên rất phong phú, đa dạng, có đầy đủ các loại hình di sản đặc trưng của huyện Mèo Vạc nói riêng và CVĐC nói chung để du khách trải nghiệm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Quản lý CVĐCTC CNĐ ĐV, để phát triển tuyến du lịch số 5 trên CNĐĐV còn một số hạn chế như: Đường giao thông một số đoạn bị xuống cấp, đường từ xã Khâu Vai đi xã Niêm Tòng dài khoảng 20 km mới chỉ là đường cấp phối, khiến việc di chuyển bằng xe ô tô gặp nhiều khó khăn. Để phát triển được tuyến du lịch mới này thì tỉnh cần phải nâng cấp trải nhựa tuyến đường kết nối từ xã Khâu Vai đến xã Niêm Tòng; hoặc xây cầu kết nối từ xã Khâu Vai sang xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) để có thêm phương án lựa chọn cho du khách từ Cao Bằng sang Hà Giang và ngược lại.
Việc xây dựng thêm tuyến du lịch số 5 sẽ góp phần phát huy tiềm năng du lịch tại vùng CNĐĐV và liên kết được sản phẩm du lịch trong vùng Đông - Tây Bắc. Do đó, trong thời gian tới ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp với CVĐCTC Non Nước Cao Bằng xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng chi tiết các cụm, điểm di sản địa chất, di sản văn hóa, di sản tự nhiên trên toàn tuyến CVĐCTC CNĐ ĐV và CVĐCTC Non Nước Cao Bằng để đưa tuyến du lịch số 5 vào hoạt động. Qua đây sẽ góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch tại CNĐ và thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc