Bảo tồn và khai thác giá trị Công viên Địa chất
BHG - Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) từ năm 2010 và là CVĐCTC đầu tiên được công nhận ở khu vực Đông Nam Á thời điểm đó. Sau 2 lần tái đánh giá (2014 và 2018), những giá trị vùng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được bảo tồn và khai thác hiệu quả.
Du khách chụp ảnh tại cua chữ M - điểm check in nổi tiếng trên cung đường Yên Minh - Mèo Vạc. |
CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh với rất nhiều giá trị di sản địa chất, cảnh quan hình thành qua hàng trăm triệu năm như: Núi đôi Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, các mặt trượt, di tích hóa thạch, hang động, các dòng sông, suối, những loài động, thực vật đặc hữu… Đây cũng là khu vực chứa đựng các giá trị văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc của 17 dân tộc như: Trang phục, kiến trúc, ngôn ngữ, chữ viết, ẩm thực, nghề thủ công, phương thức canh tác, văn hóa, tín ngưỡng dân gian.
Vách đá thần và dòng sông Nho Quế trên đèo Mã Pì Lèng. |
Qua 12 năm được công nhận thành viên mạng lưới CVĐTC, Cao nguyên đá Đồng Văn thực sự “thay da đổi thịt”; từ một vùng khó khăn, thiếu thốn hạ tầng giao thông, đất, nước, sinh kế cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào rất khó khăn; du lịch, dịch vụ chưa phát triển, hạ tầng phục vụ du lịch yếu kém… Nhưng giờ đây đã đổi thay, lượng khách du lịch đến tỉnh trong 5 năm gần đây bình quân từ 1- 1,5 triệu lượt khách/năm (kể cả trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp). Hàng nghìn nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, homestay được xây dựng đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, trải nghiệm của du khách. Nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch cộng đồng, sinh thái trên Cao nguyên đá. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện vùng cao nguyên đá từ 6%/năm trở lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng trên 3 lần so với năm 2010.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc) - đặc trưng kiến trúc truyền thống dân tộc Mông. |
Có thể khẳng định, sự đổi thay của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn hiện nay nhờ sự lãnh, chỉ đạo, quan tâm đầu tư đồng bộ, bài bản. Nhất là việc hoạch định chiến lược phát triển cho vùng Cao nguyên đá. Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây (từ Đại hội 15 – 17), Đảng bộ tỉnh đều xác định xuyên suốt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế thế mạnh và mũi nhọn. Ngay trong 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, BCH, BTV Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề số 11, 15 và 19 về phát triển du lịch, bảo tồn phát huy di sản văn hóa và bảo tồn tôn tạo giá trị di sản CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn; các chương trình, đề án bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đưa văn hóa truyền thống vào trường học…
Cùng với những định hướng phát triển, tỉnh đã nỗ lực đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phát triển bền vững CVĐCTC theo khuyến cáo của UNESCO. Đồng thời, từ tình hình thực tế địa phương, nắm bắt đúng nhu cầu, mong muốn, khát vọng của nhân dân để xác định và triển khai các nhiệm vụ đáp ứng chính sách bảo tồn, nghiên cứu khoa học; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và đầu tư cho phát triển bền vững. Đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thức về bảo tồn và phát triển CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận người dân chưa sâu sắc nên còn tình trạng xâm hại di sản, xây dựng các công trình, nhà ở dân dụng vi phạm các quy định của pháp luật; một số quy hoạch phát triển vùng đã và đang có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, môi trường. Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vùng Cao nguyên đá chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu nguồn lực quy hoạch chi tiết các danh lam thắng cảnh, các điểm di sản nên việc quản lý còn nhiều khó khăn; công tác quản lý, bảo tồn và khai thác phát triển Công viên ở các cấp, ngành chưa đồng bộ và thống nhất.
Theo các chuyên gia, việc bảo tồn và phát triển ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có sự xung đột. Khi nhu cầu phát triển tăng mạnh, việc xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực lên di sản là không thể tránh khỏi. Nhưng sẽ giúp cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng đúc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, vận hành để có cách làm bài bản, hài hòa cả lợi ích cộng đồng, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích nhà nước, lợi ích khách du lịch lẫn bảo đảm công tác bảo tồn, khai thác phát triển hiệu quả các giá trị vùng CVĐCTC. Điều này đã được minh chứng khi tỉnh có quy hoạch chi tiết các điểm khai thác đá cho người dân, doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp đã nâng cao ý thức bảo vệ di sản, cảnh quan vùng CVĐTCT; tỉnh có quy định nghiêm ngặt việc xây dựng các công trình dân dụng, hạ tầng phục vụ du lịch trên vùng Cao nguyên đá… Do đó gần như không còn tình trạng người dân khai thác đá trái phép, nhất là khu vực có những di sản, cảnh quan.
Theo Trưởng Ban quản lý CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn Hoàng Xuân Đôn: Du lịch CVĐC sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới và cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa là những giá trị cốt lõi, mang đến sự phát triển bền vững cho vùng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn. Nếu lơ là, tự mãn, Hà Giang sẽ đánh mất thương hiệu CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn - tài nguyên, tài sản lớn, giúp đảm bảo cuộc sống bền vững cho các thế hệ mai sau. Để tiếp tục phát huy các giá trị trên vùng Công viên, cần tiếp tục tăng cường đào tạo nhân lực trong công tác quản lý nhà nước và lực lượng dịch vụ du lịch; thực hiện nghiêm các quy hoạch trên vùng CVĐCTC; tăng cường giáo dục cộng đồng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giá trị vùng CVĐC…
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc