Phát triển du lịch trên nền tảng di sản văn hóa
BHG - Tính đến nay, tỉnh ta tổ chức bảo tồn được 34 Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) với 25 DSVHPVT được ghi vào Danh mục DSVHPVT cấp Quốc gia. Năm 2021 tỉnh ta nhận diện được 446 DSVHPVT với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm, sinh sống tập trung thành từng làng, bản, trong đó: Có 17 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 47 di sản ngữ văn dân gian; 12 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; 259 di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng; 13 di sản lễ hội truyền thống; 41 di sản nghề thủ công truyền thống; 57 di sản tri thức dân gian.
Canh tác trên hốc đá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2014. |
Việc bảo tồn, phát triển giá trị DSVHPVT của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và của toàn thể đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung trong phát triển du lịch (DL) hiện nay được tỉnh ta triển khai mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Đây là loại hình DL được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; DL văn hóa giúp chuyển đổi hình thức kinh tế từ độc canh cây ngô, cây lúa sang DL.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc). |
Thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển DL, vừa phát huy các giá trị văn hóa” tỉnh ta thống nhất các quan điểm bảo tồn văn hóa là nguyên tắc hàng đầu, không hy sinh văn hóa truyền thống để phát triển DL bằng mọi giá. Xây dựng chiến lược sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, môi trường tự nhiên, cảnh quan sinh thái để tạo điều kiện tiên quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của các bên tham gia hoạt động DL, trong đó phải đề cao vai trò chủ nhân của cộng đồng dân tộc địa phương trong hưởng lợi; bảo tồn phát triển làng văn hóa DL, làng nghề truyền thống; phục dựng, duy trì, tổ chức các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục, tập quán của dân tộc. Đồng thời, khuyến khích sáng tạo các sản phẩm DL từ vốn văn hóa; phát triển loại hình DL nông nghiệp, DL trải nghiệm; hỗ trợ kết nối thành các tổ, nhóm, HTX kinh doanh các sản phẩm DL từ khai thác giá trị văn hóa, thiên nhiên; khai thác thế mạnh, kỹ năng, vẻ đẹp từ biểu tượng trang phục đến cách thức sinh hoạt trong đời sống; lồng ghép các chương trình đầu tư hạ tầng phát triển DL; tổ chức tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực… Đến nay, tỉnh có 2 làng văn hóa DL cộng đồng, 7 làng nghề truyền thống dân tộc được tỉnh công nhận, 1 điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái H’mong village được chứng nhận đạt chuẩn Khách sạn xanh ASEAN 2021.
Đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL, cho biết: Nhằm bảo tồn giá trị DSVHPVT của đồng bào dân tộc trong phát triển DL, Sở đề xuất một số giải pháp mang tính tổng thể với tỉnh, cụ thể: Xây dựng chính sách về bảo tồn di sản văn hóa một cách linh hoạt, hiệu quả; chủ động phân cấp quản lý di sản văn hóa cho chính quyền, cộng đồng dân cư phù hợp với thực tiễn. Xây dựng, hoàn thiện việc quy hoạch các điểm DL cộng đồng, DL văn hóa, không để người dân tự phát; khuyến khích phát triển các loại hình DL có trách nhiệm với cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp các giá trị DSVHPVT. Sản phẩm DL phải mang linh hồn văn hóa truyền thống, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù; kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng nhiều loại hình sản phẩm và tính chuyên đề của gói sản phẩm DL. Các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hóa dân tộc phải tôn trọng tính khách quan, chân thực sắc thái, tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm mục đích thu hút khách DL.
Việc phát huy thế mạnh DL trên nền tảng DSVHPVT có định hướng, trọng tâm sẽ là chìa khóa hướng tới mục tiêu phát triển ngành DL trở thành kinh tế mũi nhọn.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc