Yên Minh bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

15:10, 28/03/2022

BHG - Nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, mảnh đất Yên Minh chứa đựng kho tàng văn hóa đặc sắc từ ngàn đời. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc được huyện chú trọng và xác định đây là biện pháp hiệu quả nhằm phát huy giá trị văn hóa trong đời sống và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức hàng năm thu hút khách du lịch.     Ảnh: TƯ LIỆU
Lễ hội Gầu Tào được tổ chức hàng năm thu hút khách du lịch. Ảnh: TƯ LIỆU

Văn hóa và du lịch có mối quan hệ gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xu hướng du lịch văn hóa rất phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển hiện nay. Có thể thấy, giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa Hà Giang tới du khách cả nước và bạn bè quốc tế.  Huyện Yên Minh có 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, nhất là các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, trang phục, nghề truyền thống và nhiều di tích lịch sử, danh thắng được công nhận, xếp hạng. Cùng với các loại hình dịch vụ phát triển, hệ thống cơ sở lưu trú mở rộng, hạ tầng giao thông thuận lợi là những lợi thế để địa phương phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa sẵn có.

Nét đẹp văn hóa của Chợ tình Du Già được lưu giữ trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.   					Ảnh: TƯ LIỆU
Nét đẹp văn hóa của Chợ tình Du Già được lưu giữ trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: TƯ LIỆU

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Từ góc độ này, kho tàng di sản ở loại hình vật thể, phi vật thể, cùng hệ thống di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của Yên Minh chính là nguồn tài nguyên du lịch lớn, tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm: Khu di tích Sùng Chứ Đà; Đồn Pháp - Tường thành Lũng Hồ; cơ sở cách mạng Đường Thượng; hang Mậu Long được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Những năm qua, cùng với các hoạt động quảng bá, công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch luôn được huyện quan tâm sát sao. Trong đó, tập trung khôi phục, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc như: Lễ hội Gầu tào, Lồng tồng, Cầu trăng, Cấp sắc, Thượng thọ... Nổi bật, huyện đã khôi phục lại Lễ hội Tết Cá của người Tày huyện Yên Minh được tổ chức tại xã Mậu Duệ; năm 2016, lễ hội này được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, thành lập, duy trì hoạt động của các đội văn nghệ dân gian; tiếp tục khôi phục, phát triển các nghề truyền thống như: Dệt vải lanh, đan cót, mũ, rèn nông cụ lao động…

Không ngừng phát huy nội lực, Yên Minh còn tìm hướng đi, cách làm phù hợp trong phát triển du lịch địa phương với sự chung tay của nhiều thành phần. Thời gian qua, huyện đẩy mạnh phát triển văn hóa, du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm. Đầu tư xây dựng Nhà trưng bày văn hóa các dân tộc; xây dựng chòi vọng cảnh, tạo tuyến đường du lịch mạo hiểm dài trên 10 km tại đồi thông xã Lao Và Chải để phục vụ khách du lịch… Cùng với đó, huyện đã mời những đoàn doanh nghiệp, chuyên gia về góp ý, xây dựng sản phẩm du lịch với hy vọng phát huy được tiềm năng theo hướng hiện đại, vừa giữ được nét độc đáo của văn hóa. Hoạt động thu hút đầu tư ngoài ngân sách trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch trên địa bàn cũng có nhiều triển vọng với sự tham gia đầu tư của một số công ty, tập đoàn lớn. Hiện, huyện đang triển khai 2 dự án, gồm: Khu nghỉ dưỡng cao cấp P’apiu Lũng Hồ - Du Tiến và khu du lịch sinh thái xã Du Già. Hai dự án này hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển du lịch các xã phía Nam, phát huy vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người Yên Minh…

Đến Yên Minh hôm nay, du khách không chỉ có cơ hội đến với một miền đất lịch sử, khám phá thiên nhiên hùng vĩ mà còn đến với một miền đất văn hóa đặc trưng. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất về nhận thức, hành động trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, các loại hình văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng dựa trên bảo tồn những giá trị văn hóa, đảm bảo sự phát triển hài hòa; phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch.

 PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhà sàn bê tông, xu hướng mới hiện nay
BHG - “Củ mài, măng đắng, mật ong, rau rừng, cơm đồ, nhà sàn, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới…”, có thể nói, đây là những nét đặc trưng trong văn hóa và tâm hồn của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Từ thời xa xưa, trải qua bao thăng trầm lịch sử, những nếp nhà sàn truyền thống vẫn giữ lại nét kiến trúc độc đáo và riêng biệt. Đó là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Tại Xã Phương Thiện và Phương Độ (thành phố Hà Giang) tập trung chủ yếu là người Tày, người Dao, do đó nhà ở của đồng bào hầu hết là nhà sàn bằng gỗ. Sau một thời gian dài sử dụng, những ngôi nhà sàn ngày một hư hỏng.
28/03/2022
Thương nhớ Hà Giang
BHG - Hà Giang - mảnh đất biên cương địa đầu của Tổ quốc, với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc rất riêng mà không nơi nào có được. Du khách thập phương mỗi lần đến thăm, trải nghiệm đều quyến luyến không muốn xa rời nơi tiên cảnh đầy mê hoặc và huyền bí này.
27/03/2022
Đà Lạt nằm trong danh sách các điểm ngắm hoa được yêu thích nhất thế giới
Thành phố “ngàn hoa” Đà Lạt của Việt Nam là điểm đến để ngắm hoa đứng thứ 3 thế giới được du khách toàn cầu đánh giá cao. Bình chọn này dựa trên các điểm đến ngắm hoa được du khách toàn cầu đề xuất nhiều nhất theo dữ liệu của nền tảng dịch vụ du lịch trực tuyến Booking.com.  
25/03/2022
Xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
BHG - Thực hiện Kết luận số 76, ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp giai đoạn mới; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo QP - AN trên địa bàn.
24/03/2022