Xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
BHG - Thực hiện Kết luận số 76, ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp giai đoạn mới; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo QP - AN trên địa bàn.
Trình diễn Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao đỏ, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì). |
Trong giai đoạn 2015 - 2020, việc thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được các cấp ủy, chính quyền huyện thực hiện nghiêm túc. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng văn hóa và con người phát triển toàn diện được nâng lên rõ rệt. Chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá được nâng cao; nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được gìn giữ và phát triển.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát, bổ sung, ban hành các chương trình, đề án cụ thể để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển văn hóa, con người trên địa bàn huyện. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa trong điều kiện thực tiễn của huyện; phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng các di tích, di sản của địa phương. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị một số loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, lễ hội dân gian tiêu biểu của các dân tộc.
Công tác xây dựng môi trường, đời sống văn hoá lành mạnh được quan tâm thực hiện. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa có sự phát triển mạnh mẽ, lan toả sâu rộng, được đông đảo cán bộ và nhân dân hưởng ứng. Năm 2021, toàn huyện có 10.662 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 76,2 %; 148 thôn, tổ dân phố đạt “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; 84 cơ quan, đơn vị đạt “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Ngành Giáo dục huyện triển khai hiệu quả hoạt động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từng bước đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các nhà trường theo Đề án của tỉnh, đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức lối sống, các giá trị văn hóa truyền thống đến với học sinh.
Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố có hội trường thôn kiêm nhà văn hóa đạt 100%; có sân thể thao đạt 39,1%. Duy trì hoạt động của 140 đội văn nghệ quần chúng; đặc biệt tại một số xã trọng điểm về du lịch như Thông Nguyên, Bản Luốc, Hồ Thầu, Nam Sơn, Bản Phùng đã xây dựng các chương trình văn nghệ dân gian, trình diễn các nghi thức, lễ hội văn hóa, trò chơi dân gian theo hình thức sân khấu hóa để tạo thành sản phẩm quảng bá, phục vụ du lịch.
Phong trào luyện tập thể dục, thể thao quần chúng có sự chuyển biến tích cực. Hiện nay, số người tham gia tập luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên trên địa bàn huyện đạt trên 11.500 người. Toàn huyện hiện có 136 đội, 100 điểm nhóm tập, 48 câu lạc bộ thể dục, thể thao hoạt động thường xuyên. 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất. Qua đó, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực.
Phó Chủ tịch UBND huyện, Hoàng Đức Tân cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với công tác văn hóa. Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, hình thành nếp sống văn minh phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc