10:54, 16/02/2022
BHG - Trong tiếng nhịp gõ dồn dập từ nhạc cụ cùng bài cúng của Nghệ nhân dân gian Liều Văn Việt, những đôi tay, chân trần của nam thanh niên Pà Thẻn, thôn Minh Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang) như có sức mạnh diệu kỳ, cứ thế hòa vào đống lửa rực than hồng. Trong đêm sương giá, họ đã tạo nên những “vũ điệu lửa” vừa huyền bí, vừa mê hoặc làm say lòng du khách mỗi dịp Tết đến, Xuân về!.
Vào tháng Giêng hàng năm, họ cùng nhau tổ chức lễ hội Nhảy lửa, gửi gắm ước muốn về một cuộc sống ấm no, mạnh khỏe; là dịp để những chàng trai trong bản thi tài, đọ sức, rèn luyện tính kiên cường, dũng cảm. Lễ hội không chỉ phản ánh vai trò, địa vị của nghệ nhân dân gian trong xã hội trước kia mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần thánh và những thế lực siêu nhiên.
|
Ông Liều Văn Việt được biết đến là thầy cúng cao tay nhất của thôn Minh Thượng trong nghi lễ cúng Nhảy lửa. |
|
Khi 5 khối củi chắc được đốt trong nhiều giờ đồng hồ, tạo thành khối than rực hồng cũng là lúc lễ hội Nhảy lửa diễn ra. |
|
Nghi lễ mời những vị thần trên trời phù hộ. |
|
Như có sức mạnh của thần linh che chở, họ nhảy múa giữa đống than rực hồng bằng đôi chân trần… |
|
… và dùng tay bốc than tung lên trời, tạo nên những “vũ điệu lửa” mê hoặc. |
|
Thanh niên Pà Thẻn nhảy múa cho tới khi đống than hồng chỉ còn lại tàn tro. |
Thôn Minh Thượng hiện có 83 hộ với hơn 410 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Qua bao thế hệ, lễ hội Nhảy lửa vẫn được duy trì, trở thành di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng có của cộng đồng Pà Thẻn.
|
Sau nhiều giờ nhảy múa, những đôi tay, chân trần của thanh niên Pà Thẻn chỉ nhuốm màu than đen mà không hề bị bỏng dưới tác động của than hồng. |
Nhảy lửa đã trở thành lễ hội độc đáo, ngày càng thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. Nhưng nếu không có những biện pháp thiết thực để bảo tồn thì cũng có thể mai một do không còn người kế tục. Bởi hiện nay, người Pà Thẻn không có chữ viết riêng, việc học làm thầy cúng chỉ dựa vào phương pháp truyền miệng nên đòi hỏi quá trình học tập lâu dài. Để có thể trở thành thầy cúng trong lễ Nhảy lửa phải học trong 5 – 7 năm. Điều này khiến thế hệ trẻ người Pà Thẻn ít mặn mà với việc học làm thầy…
Phóng sự ảnh của: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc