Nữ giáo sư người Nga gắn trọn sự nghiệp với công tác GD-ĐT ở Việt Nam

23:38, 22/02/2022

BHG - Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở khoa Ngữ - Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, có một cô giáo trẻ, xinh đẹp đến từ nước Nga. Rất nhanh chóng, cô chiếm được cảm tình và lòng kính trọng của hết thảy sinh viên trong khoa bởi những bài giảng hấp dẫn về ngữ pháp tiếng Việt, lý thuyết dịch và tiếng Nga thực hành. Điều rất đặc biệt là cô giảng bài bằng tiếng Việt với giọng nói, ngôn từ phổ thông chuẩn mực. Lớp sinh viên mới chúng tôi hỏi thì được biết tên cô là Nonna Vladimirorovna Stankievich, từ Đại học Tổng hợp Leningrat (nay là Saint Peterburg) sang. Cô còn là bạn đời của thày giáo Nguyễn Tài Cẩn – nhà ngôn ngữ học tài năng, rất có uy tín trong giới Việt ngữ học nước nhà.

GS. Nguyễn Tài Cẩn và GS. Nonna Stankevich tại ĐH Cornell (Hoa Kì), tháng 11.1993. (Ảnh: daotaotruyenhinh.vn)
GS. Nguyễn Tài Cẩn và GS. Nonna Stankevich tại ĐH Cornell (Hoa Kì), tháng 11.1993. (Ảnh: daotaotruyenhinh.vn)

Rồi cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ lan ra miền Bắc, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện trung du Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên). Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, những bài giảng của cô dưới các lán tạm bằng tranh, tre, nứa, lá vẫn đầy ắp nội dung, hôi hổi kiến thức hiện đại cùng nhiệt huyết của một nhà khoa học – nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Năm 1964, cô giáo sang Đại học Tổng hợp Leningrat bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài Phạm trù định ngữ trong tiếng Việt hiện đại. Lúc bấy giờ cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang rất quyết liệt. Người nước ngoài từ Hà Nội ra đi nhiều người không trở lại. Nhưng cô giáo Nonna Vladimirorovna Stankievich đã trở về mang theo nhiều sách quý và tiếp tục những bài giảng ở khu sơ tán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Đúc rút từ kết quả nghiên cứu và giảng dạy của mình, cô đã cho in 2 cuốn sách: Loại hình các ngôn ngữ (năm 1982 ở Pháp) và Ngữ pháp tiếng Việt (cuốn này viết chung với GS. Nguyễn Tài Cẩn và GS. Buwsstrov, in năm 1975 tại Nga). 

Vào những năm chiến tranh, sách báo, tư liệu khoa học thiếu thốn, giao lưu quốc tế của Việt Nam khó khăn, cô đã tích cực góp phần đưa những thông tin mới nhất về thành tựu nghiên cứu ngôn ngữ học của thế giới vào Viêt Nam; đồng thời giới thiệu văn hóa Việt Nam ra quốc tế. Là cộng tác viên thường xuyên của Nhà xuất bản Ngoại văn ở Hà Nội, cô đã tham gia trực tiếp hiệu đính sang tiếng Nga những tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại của các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức… Với kiến thức phong phú về văn hóa Phương Đông, cô còn viết báo giới thiệu một số tác phẩm văn hóa cổ như Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, Khóa ư lục…

Trước nay, cũng ít người được biết: Vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, không ít văn kiện quan trọng của Nhà nước, tài liệu của các đoàn công tác cao cấp đi ra nước ngoài, nhiều bài viết của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cần chuyển sang tiếng Nga đều là do cô dịch. Cô cũng là thảnh viên trong Tổ dịch Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Nga.

Với thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, năm 1984, cô Nonna Vladimirorovna Stankievich được Nhà nước Việt Nam phong chức danh giáo sư. Đây là trường hợp đặc biệt hiếm có ở nước ta.

TS. Chu Huy Sơn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển du lịch xanh ở Tân Lập
BHG - Tân Lập là xã vùng III, nằm ở phía Bắc của huyện Bắc Quang, có nhiều tiềm năng lợi thế trong phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, kết nối chương trình với các điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh và với tỉnh Lào Cai. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bắc Quang đã ban hành Đề án bảo tồn và xây dựng Làng văn hóa (LVH) du lịch tiêu biểu dân tộc Pà Thẻn, thôn Minh Thượng gắn với phát triển du lịch xanh ở xã Tân Lập đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
21/02/2022
Một số biến tướng của phong tục tập quán phát sinh trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong đồng bào DTTS ở Hà Giang
BHG - Giao lưu văn hóa là hình thức quan hệ trao đổi văn hóa, từ đó nảy sinh những nhu cầu mới thúc đẩy văn hóa phát triển. Từ quá trình giao lưu văn hóa tạo ra hiện tượng tiếp biến (tiếp thụ và cải biến) văn hoá. Đối với những địa phương nơi trình độ dân trí còn kém phát triển, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá có thể có những biến tướng, phát sinh những tệ nạn xã hội, tác động xấu đến giá trị của nền văn hoá bản địa.
17/02/2022
Xã Tân Nam phục dựng Lễ hội cầu mùa dân tộc Dao đỏ
BHG - Vừa qua, xã Tân Nam, huyện Quang Bình tổ chức phục dựng Lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ tại hộ gia đình ông Triệu Chàn Kinh, thôn Nặm Qua. Lễ hội cầu mùa là nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào người Dao đỏ. Không chỉ cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đây còn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao, mang sắc thái tín ngưỡng văn hoá và nhiều yếu tố tâm linh của cả cộng đồng...
17/02/2022
“Vũ điệu lửa” của những chàng trai Pà Thẻn
BHG - Trong tiếng nhịp gõ dồn dập từ nhạc cụ cùng bài cúng của Nghệ nhân dân gian Liều Văn Việt, những đôi tay, chân trần của nam thanh niên Pà Thẻn, thôn Minh Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang) như có sức mạnh diệu kỳ, cứ thế hòa vào đống lửa rực than hồng. Trong đêm sương giá, họ đã tạo nên những “vũ điệu lửa” vừa huyền bí, vừa mê hoặc làm say lòng du khách mỗi dịp Tết đến, Xuân về!.
16/02/2022