Một số biến tướng của phong tục tập quán phát sinh trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong đồng bào DTTS ở Hà Giang

16:05, 17/02/2022

BHG - Giao lưu văn hóa là hình thức quan hệ trao đổi văn hóa, từ đó nảy sinh những nhu cầu mới thúc đẩy văn hóa phát triển. Từ quá trình giao lưu văn hóa tạo ra hiện tượng tiếp biến (tiếp thụ và cải biến) văn hoá. Đối với những địa phương nơi trình độ dân trí còn kém phát triển, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá có thể có những biến tướng, phát sinh những tệ nạn xã hội, tác động xấu đến giá trị của nền văn hoá bản địa.

Lễ ma khô dân tộc bố y huyện quản bạ
Lễ ma khô dân tộc Bố Y huyện Quản Bạ

 Hà Giang là tỉnh miền núi với 19 dân tộc cùng sinh sống. Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Hà Giang diễn ra theo chiều dài của lịch sử. Mỗi tộc người, mỗi nhóm người, mỗi vùng miền có những đặc thù văn hóa khác nhau, những phương cách ứng xử khác nhau, mức độ chi phối sâu sắc khác nhau. Trong quá trình giao lưu văn hoá, bên cạnh những yếu tố tích cực, vẫn còn một số biến tướng, hủ tục trong phong tục tập quán, phát sinh tệ nạn xã hội. Việc nhận diện những biến tướng, hủ tục trong phong tục tập quán hiện nay trong vùng đồng bào các DTTS Hà Giang sẽ giúp các nhà quản lý văn hoá có cách nhìn đa chiều hơn khi tiếp cận, tìm giải pháp khắc phục, từng bước bài trừ những biến tướng, hủ tục tại vùng đồng bào DTTS các địa phương.

Biến tướng trong tang ma

Ở một số vùng DTTS Hà Giang, biến tướng trong tang ma thể hiện ở quan niệm phải “làm ma to”, với mục đích báo hiếu, thể hiện tình cảm thương tiếc với người đã khuất, biểu hiện ở việc mổ nhiều gia súc, gia cầm, thông qua việc “đua lễ phúng” giữa hai bên thông gia của người chết và giữa các dòng họ thôn - phổ biến ở dân tộc Giáy; “đua làm các lễ sau đám tang” nhằm báo hiếu giữa các con cháu của người chết - phổ biến ở dân tộc Mông (ma khô, ma trâu/bò), dân tộc Nùng (ma khô)… Việc làm này khiến tang chủ và nhiều gia đình liên quan rơi vào nợ nần, không còn điều kiện phát triển kinh tế, nhiều gia đình nghèo, không đủ tiền, phải đi vay mượn để làm lễ cúng tế, ăn uống linh đình, người ta gọi là “nợ ma”.

Việc “nợ ma” còn kéo theo nhiều hệ lụy. Theo quan niệm của đồng bào, những người “nợ ma” là chưa làm tròn nghĩa vụ báo hiếu với cha/mẹ, ông/bà, do đó họ sẽ không cho thừa kế ruộng đất của tổ tiên để lại. Nếu người nào đó trong dòng họ có điều kiện đứng ra làm ma thì sẽ được hưởng số tài sản ruộng đất đó. Điều này sẽ dẫn đến biến tướng trong việc lợi dụng tập tục để chiếm đoạt tài sản. Tình trạng này phổ biến ở nhiều dân tộc, điển hình là dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì. Chẳng hạn như gia đình ông Triệu Vàn Chiêu, thôn Chiến Thắng, có 3 người đã chết là bà, bố và chồng cả của vợ, nhưng tất cả đều chưa được tổ chức làm đám ma đầy đủ các bước, còn “nợ ma”.

Việc “nợ ma” còn dẫn đến những biến tướng phổ biến: Sự gia tăng hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan của một số người hành nghề cúng bái. Đám tang cần nhiều thầy cúng, chủ yếu ở dân tộc Dao. Có những đám tang phải nhờ 5-7 thầy cúng. Tiền công chi trả cho thầy cúng và các lễ vật có thể lên tới 20 triệu.

Ngoài ra, vấn đề mê tín dị đoan trong tang ma còn phổ biến, đặc biệt quan niệm trong đồng bào về những người chết đột ngột, bất đắc kỳ tử… sẽ thành ma làm hại người sống. Lợi dụng tâm lý lo sợ này, khi dòng họ có người chết, một số người hành nghề thầy cúng, tuyên truyền mê tín dị đoan, tổ chức các nghi lễ cúng, làm bùa phép, xua đuổi, bắt ma… gây hao tổn kinh tế và tâm lý hoang mang, bất ổn về tín ngưỡng, tâm linh trong nhân dân.

Hơn nữa, tình trạng thuê thầy cúng ở bên kia biên giới về làm đám tang vẫn diễn ra ở một số dân tộc sinh sống tại khu vực giáp biên. Vấn đề này tiềm ẩn phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp liên quan đến an ninh dân tộc, tôn giáo và biến tướng văn hóa tâm linh của các dân tộc sinh sống ở vùng biên. Ngoài ra, việc dùng quá nhiều rượu trong đám tang còn dẫn đến say xỉn, ảnh hưởng sức khỏe của người dân và có khả năng gây tai nạn khi tham gia giao thông.

Biến tướng trong hôn nhân

Hiện tượng biến tướng trong hôn nhân còn tồn tại trong đồng bào các DTTS thể hiện ở tình trạng “đua cỗ”, kéo vợ, thách cưới.

Tình trạng “đua cỗ”, tức làm đám cưới linh đình thể hiện dòng họ có điều kiện kinh tế, dẫn đến một số hộ gia đình còn khó khăn, cũng muốn làm cỗ cưới to cho con, sau đám cưới thường dẫn đến nợ lớn. Một số hộ gia đình còn tổ chức đám cưới nhiều mâm cỗ để thu lợi, đó là biến tướng “bán cỗ cưới”. Đối với cộng đồng dân tộc Nùng, Giáy... những năm gần đây có sự biến tướng và phô trương tiệc cưới, có gia đình tổ chức ăn trong một ngày, cá biệt có những hộ tổ chức linh đình sang cả ngày hôm sau, gây ảnh hưởng đến kinh tế.

Ngoài ra, nạn thách cưới, "cưới nợ", thách cưới bằng tiền, vàng, bạc trắng, gia súc... vẫn còn tồn tại trong đồng bào DTTS và ngày càng trở nên phổ biến. Gần đây, số lễ vật này thường được quy ra tiền, do người đại diện cho gia đình nhà trai đứng ra đòi lễ vật. Tình trạng này dẫn đến hậu quả là có nhiều đôi nam nữ phải cưới nợ hoặc chia tay vì không đủ tiền cưới, thậm chí ăn lá ngón tự tử. Việc thách cưới cũng xuất hiện ở những vùng đồng bào DTTS, khi tình trạng một số phụ nữ người DTTS bị “gả bán” sang Trung Quốc với giá cao, dẫn đến hiện tượng thách cưới ở một số địa phương vùng giáp biên tăng theo.

Cuối cùng, tục kéo vợ (chủ yếu trong dân tộc Mông) rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người. Đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn gia tăng.

Biến tướng trong lễ hội

Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc Hà Giang: Lễ hội Gàu Tào của người Mông, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô, lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ Cấp sắc của người Dao… Việc lưu truyền và phát huy, bảo tồn những giá trị truyền thống của lễ hội trong cộng đồng là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi lễ hội trở thành một sản phẩm quan trọng của du lịch, thì đã xuất hiện những biến tướng, mặt trái cần phải loại bỏ. Một số người hành nghề tín ngưỡng tâm linh lợi dụng lễ hội và sự thiếu hiểu biết của người dân để cúng bái, cầu an, giải hạn, đuổi ma tà, chữa bệnh… nhằm trục lợi. Kéo theo đó là tình trạng kinh doanh “chặt chém” ép giá khách du lịch làm mất hình ảnh du lịch của tỉnh. Ngoài ra, còn có tình trạng xả rác bừa bãi làm mất mỹ quan; tình trạng thiếu tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, gây ách tắc giao thông, tai nạn và ảnh hưởng an ninh trật tự…

Biến tướng trong đời sống tâm linh

Quan niệm về thế giới tâm linh của đồng bào các dân tộc Hà Giang rất phong phú và đa dạng. Họ quan niệm thế giới bên kia có ma lành và ma ác.

Ma lành gồm ma tổ tiên, ma tổ nghề (thầy thuốc, nghề mộc, nghề rèn…), ma tín ngưỡng sản xuất nông nghiệp… Ma ác gồm: ma gà, ma cà rồng (chủ yếu trong quan niệm của dân tộc Tày, Nùng), ma Ngũ Hải (chủ yếu trong quan niệm của dân tộc Mông, Dao). Đồng bào cho rằng, các ma này nhập vào một người đang sống nào đó và có khả năng gây đau ốm, thậm chí gây chết người, chết cả gia súc… dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, đánh giết lẫn nhau, gây mất an ninh trật tự. Ví dụ như vừa qua, vào ngày 10.1.2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với Sình Pà Mỷ, sinh năm 1976, trú tại thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn để điều tra về tội giết người, nguyên do nghi nạn nhân là ma Ngũ Hải.

Sự thay đổi tập quán, kinh nghiệm sản xuất theo hướng tiêu cực

 Hiện nay, một phần đất canh tác nông nghiệp bị bạc màu do tác động của phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, biến đổi khí hậu khiến năng suất cây trồng thấp hoặc không ổn định, dẫn đến thu nhập của người dân từ nông nghiệp không đảm bảo. Bên cạnh đó, trong vòng 10 năm trở lại đây, xu hướng lao động đi làm thuê tại các khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố lớn và nước ngoài có chiều hướng tăng; do đó đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là văn hóa đồng bào dân tộc có sự thay đổi theo. Nhiều phong tục, tập quán lao động và tín ngưỡng văn hóa của đồng bào dân tộc bị mai một như: Trang phục dân tộc dần bị thay thế bởi trang phục hiện đại; nhuộm và thêu dệt vải theo truyền thống dần ít đi; nghề rèn, đúc các dụng cụ lao động sản xuất theo nghề truyền thống hầu như không được duy trì và lưu truyền; các sản phẩm đan lát bằng mây, tre đan khó tiêu thụ ra thị trường do mẫu mã, chất lượng kém, nghề đan lát có nguy cơ bị mai một…

Kết luận lại, việc nhận diện một số biến tướng của phong tục tập quán và tệ nạn xã hội phát sinh trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong đồng bào DTTS ở Hà Giang là rất cần thiết, nhằm bước đầu giúp các nhà quản lý, nhất là cấp chính quyền, đoàn thể địa phương có cách ứng xử thỏa đáng với những biến tướng - hủ tục và các vấn nạn xã hội mới phát sinh; không bị nhầm lẫn giữa hủ tục với các truyền thống văn hóa tốt đẹp trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang.

Phạm Văn Tú (Văn phòng ĐBQH)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Tân Nam phục dựng Lễ hội cầu mùa dân tộc Dao đỏ
BHG - Vừa qua, xã Tân Nam, huyện Quang Bình tổ chức phục dựng Lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ tại hộ gia đình ông Triệu Chàn Kinh, thôn Nặm Qua. Lễ hội cầu mùa là nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào người Dao đỏ. Không chỉ cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đây còn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao, mang sắc thái tín ngưỡng văn hoá và nhiều yếu tố tâm linh của cả cộng đồng...
17/02/2022
“Vũ điệu lửa” của những chàng trai Pà Thẻn
BHG - Trong tiếng nhịp gõ dồn dập từ nhạc cụ cùng bài cúng của Nghệ nhân dân gian Liều Văn Việt, những đôi tay, chân trần của nam thanh niên Pà Thẻn, thôn Minh Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang) như có sức mạnh diệu kỳ, cứ thế hòa vào đống lửa rực than hồng. Trong đêm sương giá, họ đã tạo nên những “vũ điệu lửa” vừa huyền bí, vừa mê hoặc làm say lòng du khách mỗi dịp Tết đến, Xuân về!.
16/02/2022
Dâng hương chùa Sùng Khánh Xuân Nhâm Dần 2022
BHG - Ngày 15.2 (tức ngày 15 tháng Giêng), tại thôn Làng Nùng, UBND xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên đã tổ chức Lễ dâng hương chùa Sùng Khánh Xuân Nhâm Dần 2022. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, nghi lễ dâng hương đã được tổ chức đảm bảo tuân thủ quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
15/02/2022
Chương trình du lịch trải nghiệm “Hành quân theo bước chân anh”
BHG - Trong 2 ngày từ 12 – 13.2, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm “Hành quân theo bước chân anh”. Tham gia có lãnh đạo Tỉnh đoàn, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Báo Hà Giang, Sở Văn hóa – TT&DL, huyện Vị Xuyên, gần 100 đoàn viên, thanh niên trong tỉnh và du khách trong nước.
14/02/2022