Trăm năm thiên hương
BHG - Rời trung tâm huyện Đồng Văn vào buổi sáng, tôi đi bộ đến địa phận Sì Phài dưới chân núi Độc Sơn theo con đường dân sinh, rẽ trái để vào bản Thiên Hương, chỉ cách huyện hơn 6 km mà tôi phải đi bộ mất cả giờ đồng hồ.
Bình yên làng cổ Thiên Hương. Ảnh: ST |
Con đường chênh vênh, một bên là vách núi, một bên vực thẳm, phía dưới những thửa ruộng bậc thang đang vào vụ và cánh rừng Mã Lủ đổ bóng xuống dòng Nho Quế ghềnh thác. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn cánh rừng đại ngàn, thảm lá còn đọng sương đêm, lung linh trong cái nắng đầu ngày trong vắt, chợt nhớ về người nghĩa quân Sùng Mý Chảng - thủ lĩnh của dân tộc Mông, vì không chịu được sự bạo tàn, bóc lột của thực dân Pháp, cùng với thổ ty, chúa đất trong vùng, ông đã tập hợp thanh niên trai tráng, tích trữ lương thảo, dựng cờ khởi nghĩa, tuy nhiên cuộc nổi dậy không thành, nhưng cũng đã gây được tiếng vang lớn cho cả vùng Cao nguyên đá. Tôi còn nghe đâu đó tiếng quân reo, tiếng mài gươm, mã tấu trong đêm, có ánh lửa sáng, bóng rừng che chở... và dễ gì quên được một thời khổ đau, tăm tối ở vùng đất heo hút này.
Bản Thiên Hương có mốc giới số 18 nằm sát đường biên giáp với xã Thiền Phùng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đi bộ trải nghiệm cũng thật thú vị, để có những khoảnh khắc hiếm hoi cảm nhận đến tận cùng vẻ đẹp hoang sơ, mới và lạ ở một vùng quê lặng lẽ, bình yên, dường như có một đời sống khác biệt với thế giới ồn ào chốn đô hội... Con đường hoa sở trắng ngần, uốn lượn quanh làng bản, có bờ rào đá, cổng gỗ Nghiến như dẫn ta vào xứ sở thần tiên...
Điều ấn tượng nhất của tôi về ngôi làng này là vườn đa đầu làng đã hàng trăm năm tuổi, sừng sững vươn cao như các vị thần bảo vệ cho làng. Cây đa còn là biểu tượng của sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Trong văn hóa Việt, cây đa là biểu tượng thần quyền, tâm linh của con người, là nơi trú ngụ của các đấng thần linh, là một loại cây thiêng mà ít ai dám tự ý chặt phá. Dưới gốc đa cổ thụ nhất, có một ngôi miếu nhỏ đồng bào Thiên Hương gọi là miếu Thần Lâm và lễ cúng thần rừng vẫn được tổ chức trang trọng vào tháng 3 âm lịch hằng năm...
Bản Thiên Hương còn gọi là làng Mã Pắng, có 43 hộ dân, hơn 100 nhân khẩu, hai dân tộc chủ yếu là dân tộc Tày và Giáy, đặc biệt của hai dân tộc này là họ rất chăm chút gìn giữ trọn vẹn ngôi nhà cổ của mình. Đồng bào còn giỏi tiếng Kinh, Mông và tiếng Hoa Hán. Tuy đời sống còn nghèo, nhưng đồng bào rất chân tình mến khách, dạy bảo con cháu lễ nghĩa, chăm chỉ lao động, không ngừng rèn luyện học tập vươn lên. Dân bản còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như y phục, đồ trang sức của phụ nữ, hát cọi, lượn và hát phươn trong dịp lễ tết hoặc những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ẩm thực cũng rất đặc sắc, đáng kể nhất là bánh khẩu bè, thắng cố, rượu ngô men lá rất thơm và ngon...
Tên bản đẹp như loài hoa đang nở... Xin bạn hãy lên với Thiên Hương ngôi làng cổ một lần. Trăm năm đầy biến động đi qua, nhưng ngôi làng vẫn còn đó. Có đi, trải nghiệm mới biết quê hương mình thật hùng vĩ, giàu đẹp, con người thuần hậu, khao khát hướng về tương lai...
Cao Xuân Thái