Sự tích cây nêu

15:31, 31/01/2022

Xuân 2022 - Ngày xưa, ở lưng chừng núi hẻo lánh phía Bắc, có một làng người Dao với vài nóc nhà, cuộc sống gắn liền với nương rẫy, di cư quanh vùng. Dưới chân núi, là một làng người Tày với khoảng hơn chục nóc nhà, họ sống nhờ cày cấy với mấy thửa ruộng ven theo con suối chảy qua giữa làng.

Cắt giấy đỏ, xâu thành chuỗi để buộc vào ngọn cây nêu.                                                                                  Ảnh: P.V
Cắt giấy đỏ, xâu thành chuỗi để buộc vào ngọn cây nêu. Ảnh: P.V

Hai làng chỉ cách nhau một đoạn đường vắt qua sườn, hàng ngày vẫn nhìn thấy mọi hoạt động của nhau, giữa hai làng sống hòa thuận, những ngày lễ, Tết của hai dân tộc đều được hai làng cử đại diện đến thăm, chúc mừng nhau. Nhưng phong tục, tập quán và lối sống khác nhau, những ngày thường, hai làng sống khá tách biệt theo lối sống của riêng mình.

Trong những lần đại diện hai làng đến chúc nhau, trong đoàn của làng người Dao có một cô gái rất xinh đẹp, nết na được một chàng trai người Tày đem lòng yêu thương, cô gái rất yêu quý chàng trai người Tày, hai người ngày càng gắn bó theo thời gian và thấy không thể thiếu nhau được. Tình cảm của hai người đến tai của cả hai trưởng làng, dân hai làng đều bàn tán xôn xao vì trong quan niệm của cả hai làng đều không được phép kết hôn với người ngoài dân tộc mình, hai trưởng làng đều đổ lỗi cho nhau.

Từ chỗ nghi kỵ giữa hai trưởng làng mà giữa hai làng có nguy cơ xảy ra mâu thuẫn lớn. Cả hai gia đình đều ra sức ngăn cản, cấm hai người không được gặp nhau. Trước sự ngăn cấm của cả hai gia đình, hai người đành bí mật hẹn gặp nhau hàng ngày ở nơi khuất nẻo bên cạnh một bụi móc đỏ trên đoạn đường nối giữa hai làng.

Đến khi sự việc bị trưởng làng người Dao phát hiện càng làm cho tình cảm giữa hai làng trở nên nghiêm trọng, có nguy cơ xung đột (Trưởng làng người Dao chuẩn bị lực lượng để bắt anh chàng người Tày bằng vũ lực). Thấy vậy, trưởng làng người Tày ra lệnh cấm tuyệt đối đôi bạn gặp nhau, đồng thời cũng chuẩn bị gây chiến với làng người Dao. Trước tình hình đó, đôi bạn đành phải từ bỏ gặp nhau hàng ngày, lần cuối gặp nhau, cả đôi bạn đều hứa cùng sống, cùng chết và khi chết cùng chôn ở nơi mà thường gặp nhau. Từ đó, buổi sáng nào chàng trai người Tày cũng ra đầu làng nhìn lên làng người Dao, cùng thời điểm, cô gái người Dao cũng ngóng về làng người Tày. Thời gian trôi đi, bỗng vào buổi sáng của ngày cuối năm, cả làng người Tày đang hối hả chuẩn bị đón Tết, chàng trai nhìn lên làng người Dao thấy có đám tang, đoán có chuyện chẳng lành, chàng trai lặng lẽ đến chỗ hẹn thì biết cô gái đã tự vẫn tại nơi mà hai người đã hẹn nhau, nhưng chàng trai không thể xuất hiện. Trở về  trong đau khổ vô cùng, phải chờ cho nhà cô gái chôn cất xong, chàng trai mới dám đến bên mộ cô gái, đau xót thắp hương, khấn hẹn gặp nhau trên thiên đàng. Đang lúc khấn, tự nhiên xác cô gái đột ngột đội đất vùng dậy đuổi theo, chàng trai phải chạy vòng quanh bụi móc đỏ,  không biết cách nào để xác cô gái quay về phần mộ, trong túi chàng trai chỉ có con dao nhíp nhổ râu, chàng trai đành lấy ra vội cắt được một cành lá cây móc ném về phía xác cô gái đang đuổi theo mình, khi cành móc chạm vào xác, tự nhiên xác cô gái từ từ quay về phần mộ của mình… Chàng trai quay về với nỗi buồn vô hạn, nhớ người yêu vừa mới khuất, lại là ngày cuối năm, chàng trai thể hiện tình yêu của mình bằng cách cắm lên ngay cổng nhà mình một cây tre vào trước giờ “Ngọ” và gọi là “Cây nêu” để thể hiện tình yêu của mình, trên đó buộc một cành lấy từ cây móc đỏ gần ngôi mộ của cô gái để thể hiện sự cách biệt âm - dương; một chiếc bánh chưng tết cho cô gái; một tờ kim ngân và một nén hương thể hiện lòng trân trọng của tình yêu; dưới chân cây nêu buộc một quả núc nác khô (Hình tượng của lưỡi mác) thể hiện ranh giới cho vong hồn của cô gái.

Từ đó, cây nêu ngày Tết đã được nhiều thế hệ của người Tày ở những vùng núi hẻo lánh duy trì cho đến những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày nay, với sự chọn lọc, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng vùng quê lại có quan niệm về ý nghĩa, giá trị tinh thần của cây nêu khác nhau.

Suy ngẫm lại mới thấy giá trị nhân văn trong tư tưởng của Tổ tiên, tuy ngày nay đã khác xưa nhiều, nhưng qua câu chuyện cổ tích về “Cây nêu” ngày Tết, Tổ tiên ta đã rất trân trọng tình yêu thương giữa người với người, đó là tinh thần cộng đồng, trách nhiệm với xã hội mà bỏ qua những lợi ích cá nhân, tính nhân văn, trọng danh dự và rất nhiều nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống đã tạo nên sức mạnh nội sinh cho dân tộc vượt qua mọi thử thách mà hậu thế phải biết chọn lọc, giữ gìn và phát huy trong đời sống xã hội hiện đại để vươn tới những giá trị “Chân, Thiện, Mỹ”.

Triệu Minh Tư  (Phường Trần Phú, thành phố Hà Giang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang cùng đất nước vào Xuân
BHG - Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, Báo Hà Giang nhận được nhiều tâm tư, cảm xúc của bạn đọc gần xa. Một trong số đó là bài thơ Hà Giang cùng đất nước vào Xuân của tác giả Lê Quang Minh. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!
31/01/2022
Độc đáo bánh Tết truyền thống của người Tày Yên Minh
BHG - Bên những dãy núi cao quanh năm mây phủ, những dòng sông uốn lượn, nơi đồng ruộng thênh thang trĩu hạt, người Tày Hà Giang đã định cư sinh sống từ bao đời nay. Trên những thửa ruộng bậc thang của quê hương, họ đã cùng người Dao, người Mông… trồng cấy để tạo nên những hạt gạo thơm ngon phục vụ bữa ăn hàng ngày và làm ra những loại bánh truyền thống đặc sắc…
31/01/2022
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ
BHG - Thôn Lùng Vài xã Phương Độ có tổng số 75 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trong những năm qua, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế, với độ cao hơn 700 mét so với mặt nước biển, có khu rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm đây là điều kiện phù hợp cho người dân trong thôn trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Tận dụng lợi thế đó, những năm qua người dân trong thôn đã phát triển mạnh diện tích trồng thảo quả, nhờ đó đời sống người dân được nâng lên. Cùng với đó, bản sắc văn hóa của người dân nơi đây được giữ gìn, trong đó có Lễ cấp sắc.
30/01/2022
Xuân về nơi đảo xa
BHG  - Một mùa Xuân mới đang về với Trường Sa, không khí chào đón năm mới đang tràn ngập khắp quần đảo. Gác lại niềm riêng tư, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang cùng nhau đón một cái Tết ấm tình đồng đội; luôn giữ chắc tay súng để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu.
29/01/2022