Sự tích cam sành Mã Mật
BHG - Nhà Bàn Chu có vườn cam sành mấy trăm cây, trong đó có ba mươi cây thuộc dòng cam Mã Mật. Nhìn mắt thường cam Mã Mật cũng giống như những cây cam sành khác, chỉ có màu quả của nó là khác. Trong khi cam sành vàng có vỏ mầu gạch non thì cam Mã Mật lại có mầu nâu bóng như bồ hóng. Tuy xấu mã nhưng cam Mã Mật ăn ngọt, đậm hơn cam sành màu vàng. Ông nội Bàn Chu bảo, cam Mã Mật là loại cam lạ, người sành cam thường chọn ăn nhưng ít khi dùng để làm quà biếu vì trông nó không bắt mắt! Có lẽ vì thế nên ông chỉ trồng có ba mươi cây để lấy quả ăn và bán cho những người thích cam Mã Mật. Ông nội kể, một lần ông đem cam này về xuôi làm quà cho người bạn đồng ngũ với ông trước đây từng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia ở khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy. Người bạn cảm động lắm vì biết đây là giống cam ngon nhất trong các loại cam sành, nhưng cậu bé cháu nội ông ấy, cũng chừng tám, chín tuổi như Bàn Chu bây giờ, thật thà hỏi: “Cam gì mà đen nhẻm thế hả ông? Nhà ông không có cam vàng à?” Ông bảo, tuy vỏ nó không đẹp nhưng ruột nó ngon, vậy mà cậu bé vẫn không tin. Ông phải nịnh mãi cậu bé mới ăn thử một quả. Vừa ăn được mấy múi cậu đã vội ôm lấy túi cam, nói với ông: “Cam nhìn xấu mà ăn ngon quá, ông ạ”. Đợi cậu bé ăn hết quả cam, ông bảo: “Loại cam mầu nâu này tên là Mã Mật. Nó có cả một sự tích đấy cháu. Nếu cháu thích nghe ông sẽ kể”. “Có, cháu thích nghe, ông kể đi!” Ông nội Bàn Chu nhẩn nha kể cho cậu bé nghe. Nghe xong nó cứ nằng nặc đòi theo ông lên Hà Giang để được tận mắt nhìn thấy những cây cam Mã Mật đượm màu huyền thoại.
Giống cam sành ngọt thơm, vàng đẹp trở thành loại quả được nhiều người ưa thích. |
Sự tích về loại cam sành Mã Mật này Bàn Chu được nghe ông nội kể nhiều lần, đến độ thuộc lòng, vậy mà nó vẫn thích nghe trong mỗi mùa cam. Khi đi học ở trường nội trú huyện, lần nào đem cam Mã Mật mời các bạn ăn Bàn Chu cũng kể cái sự tích này. Nghe xong đứa bạn nào cũng thích và thêm yêu những quả cam Mã Mật nâu bóng!
Chuyện kể rằng, cách đây đã lâu lắm rồi, có một ông già râu tóc bạc phơ, vai khoác tay nải, tay chống gậy trúc đi qua vùng đất Vĩnh Hà. Đây là vùng đất của người Dao đỏ ở chung với người Nùng, người Tày và người Pà Thẻn. Trưa hôm ấy ông già ngồi nghỉ dưới bóng cây Gạo đầu xóm. Ông lấy trong tay nải ra một loại quả mầu vàng, to như nắm tay, bóc ra ăn. Ăn xong ông nhặt hết hạt của nó ném ra bãi đất trống gần bờ suối trước mặt rồi chống gậy bỏ đi. Thời gian sau trên bãi đất ấy mọc lên một loại cây giống như cây cam bản địa, cành lá sum suê. Mấy năm sau cây cam ấy ra hoa, đậu quả. Khi quả chín có mầu vàng rất đẹp. Già làng ăn thử thấy ngọt ngon liền hái về chia cho mỗi nhà trong xóm vài quả, dặn ăn xong thì lấy hạt đem trồng. Từ đó ở Vĩnh Hà có thêm một loại quả cây quý. Đó là cây cam sành.
Đấy là sự tích cây cam sành nói chung. Riêng cây cam Mã Mật lại có thêm những tình tiết ly kỳ khác. Số là, sau khi giống cam sành ngọt thơm, vàng đẹp trở thành loại quả cây được nhiều người ưa thích, thường xuyên mua về dùng thì bà con ở Vĩnh Hà nhà nào cũng khai hoang đất để lập vườn trồng cam. Nhà ít vài chục cây, nhà nhiều hàng trăm cây. Nhà cụ Bàn Tích trồng nhiều nhất, tới cả ngàn cây xung quanh ngôi nhà sàn to đẹp lợp lá cọ. Vào một đêm cuối thu có gió mùa Đông Bắc, cơn gió lạ bất chợt thổi mạnh khiến than lửa trong bếp củi giữa nhà cụ bùng lên. Ngọn lửa bén vào giàn bếp rồi lém lên mái cọ gây ra cháy nhà. Ngọn lửa bốc cao thiêu trụi ngôi nhà sàn ba gian hai chái trong vài tiếng đồng hồ. May mà mọi người chạy kịp nên không ai bị làm sao, nhưng đồ đạc, thóc ngô trong nhà cháy sạch! Gió thổi mạnh làm ngọn lửa táp vào những cây cam trĩu quả xung quanh nhà khiến chúng bị cháy sém! Những quả cam đang bắt đầu chín vàng bị khói lửa hun chuyển thành màu bồ hóng. Nhưng thật lạ kỳ là chúng không bị rụng. Ngày ngày mọi người trong nhà cụ Bàn Tích phải hái cam bị táp lửa để ăn trừ bữa. Lạ thay những quả cam này ăn rất ngọt và thơm. Lạ hơn nữa, hạt của những quả cam táp lửa sau này mọc thành cây, ra quả, đến lúc quả chín cũng nâu bóng như bồ hóng bếp! Thầy mo bảo, đó là giống cam của thần Lửa. Thần Lửa thấy giống cam quý nên đã giữ lại để đền bù một phần thiệt hại cho nhà cụ Bàn Tích! Thần Lửa cố ý tạo ra mầu nâu bóng của quả cam để ghi nhớ vụ hỏa hoạn và cũng là để phân biệt loại cam này với cam sành mầu vàng có cùng nguồn gốc. Cụ Bàn Tích là người đầu tiên gọi loại cam táp lửa là cam Mã Mật, vì cụ bảo nó có mầu sắc và vị ngọt gần giống như mật mía! Mọi người thấy đúng và gọi theo cụ. Từ đó vùng đất Vĩnh Hà có thêm loại cam mới - cam Mã Mật! Ngày nay giống cam sành Mã Mật đang dần lấy được vị thế của mình, được nhiều người dùng ưa chuộng, coi là một trong những loại cam đặc sản vì nó ngọt thơm đậm đà.
Tuy mã không đẹp, nhưng cam Mã Mật vẫn mãi mãi là một giống cam quý!
Truyện thiếu nhi: Nguyễn Trần Bé