Lễ hội cầu mùa, cầu mưa của người Dao ở Bắc Mê
BHG - Cũng như các tộc người khác, người Dao ở huyện Bắc Mê có tập quán xã hội, sinh hoạt văn hóa riêng, tiêu biểu là Lễ hội cầu mùa, cầu mưa. Người Dao nơi đây sinh sống dựa vào cây lúa nước và chăn nuôi; ngoài ra còn trồng trọt trên nương, rẫy. Canh tác chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên người Dao ở Bắc Mê luôn tin rằng vạn vật có linh hồn cần phải kiêng kị, cúng bái và Lễ hội cầu mùa, cầu mưa là nghi lễ để người Dao gửi gắm tâm tư, ước nguyện cầu mong mùa màng tươi tốt, cây trái trĩu quả, chăn nuôi phát triển…
Lễ hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao xã Đường Hồng (Bắc Mê). Ảnh: VĂN QUÂN |
Lễ hội diễn ra thường niên vào ngày mùng 6.6 Âm lịch. Lễ hội thường được tổ chức trên một khu đất trống hoặc cánh đồng rộng. Khu đất nơi đồng bào lựa chọn làm địa điểm tổ chức lễ hội là nơi nằm cạnh những cánh đồng đang thời kì canh tác, sản xuất, trồng trọt. Lễ hội diễn ra trong vòng một ngày, bắt đầu từ sáng sớm. Để tổ chức lễ hội, cộng đồng người Dao tập trung tại nhà Trưởng thôn để cùng chuẩn bị lễ vật. Lễ vật gồm ba mâm lễ, mâm thứ nhất cúng Thổ công, Thổ địa; mâm thứ hai, cúng thần linh, Ngọc hoàng, Sư phụ; mâm thứ ba cúng xua đuổi những phần xấu khiến con người làm ăn không tốt, dịch bệnh, sâu bọ, côn trùng phá hoại mùa màng; bên cạnh đó còn có tấu chương, các sản phẩm nông sản như: Lúa nếp và lúa tẻ, ngô, khoai Lang, khoai Sọ, sắn, mía, hạt mạch, bí, đỗ tương, chuối, thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, xôi… đây là những nông sản mà đồng bào thu hoạch từ vụ sản xuất trước đem đến dâng lên thần linh, Tổ tiên. Người Dao tâm niệm, lễ vật dâng lên sau khi tổ chức lễ đã được thần linh, Tổ tiên chứng giám, phù hộ, đem làm giống sẽ cho một năm mùa màng tươi tốt, sản xuất bội thu. Bước tiếp theo, dân làng chuẩn bị nhà làm lễ. Mỗi gia đình cử một thành viên tham gia dựng nhà. Nhà lễ là kiểu nhà đất. Vật liệu sử dụng làm nhà chủ yếu là những nguyên liệu sẵn có, như: Cây mai dùng làm cột nhà, cây tre, cây vầu dùng làm đòn tay, mái nhà. Nhà lễ rộng 4m – 6m, dài 12 m tượng trưng 12 tháng trong năm, được bố trí thành 4 gian đều nhau. Nhà có 4 vì kèo, mỗi vì kèo có 3 cột. Mái nhà lợp bằng lá cây đao, xung quanh nhà để thoáng, tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham dự quan sát được các bước cúng lễ. Gian giữa nhà được bố trí hai chiếc bàn để đặt các mâm lễ, hướng mặt về phía núi trước nhà. Ngay trước gian nhà có bát hương thần linh. Ở gian phía trong nhà ngay trước đàn cúng là nơi bài trí ghế ngồi cho các thầy cúng và các vị cao niên lớn tuổi, già làng, trưởng bản, người có uy tín về dự lễ. Tiếp theo, dân làng đi mời thầy cúng, để đảm bảo lễ cúng toàn vẹn, người Dao mời thầy cả, già làng, thầy chính, thầy phụ, người phục vụ châm hương, rót rượu và 4 đôi nam nữ của làng đại diện luân phiên cùng thổi kèn, thỉnh chuông, múa vui trong quá trình diễn ra lễ hội.
Lễ cầu mùa, cầu mưa của người Dao Bắc Mê diễn ra gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trước, gồm các nghi thức cúng lễ với ý nghĩa trình báo, mời các thần linh, Ngọc hoàng xuống dự lễ, xin các ngài phù hộ cho đồng bào người Dao đoàn kết một lòng, sản xuất hăng say, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc. Phần hội gồm các trò chơi dân gian, hát Giao duyên, đánh yến... Lễ hội cầu mùa, cầu mưa là sự kiện văn hóa mà tất cả đồng bào, con em người Dao địa phương mong đợi. Đây không chỉ là dịp được vui chơi, gặp gỡ, giao lưu thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc. Ngày diễn ra lễ hội, người già, trẻ nhỏ, trai, gái háo hức chuẩn bị đi hội từ sáng sớm.
Lễ hội cầu mùa, cầu mưa là hoạt động văn hóa thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Dao ở huyện Bắc Mê nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Dao, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cố kết cộng đồng, thể hiện khát vọng cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, Lễ hội cầu mùa, cầu mưa của người Dao ở Bắc Mê vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nguyễn Hoài (Sở Văn hóa, TT&DL)
Ý kiến bạn đọc