Mèo Vạc thi đua xây dựng đời sống văn hóa
BHG - Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn khởi sắc, nhiều phong tục tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi, xóa bỏ… đó là những kết quả tích cực đi liền với thực hiện phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH)” ở huyện Mèo Vạc.
Người Lô Lô xã Pả Vi vẫn giữ được trang phục truyền thống. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Ngô Mạnh Cường cho biết: Trên cơ sở các văn bản của T.Ư, tỉnh, những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Các nội dung và phong trào cụ thể trong phong trào TDĐKXDĐSVH được các cấp, ngành trên địa bàn huyện thực hiện theo hướng bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực, gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các mục tiêu phát triển KT – XH của huyện. Nhờ đó, phong trào đã tạo được sự lan tỏa lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Diện mạo nông thôn đổi mới là điều dễ nhận thấy ở huyện Mèo Vạc. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn huyện đã đoàn kết, chung tay xây dựng Nông thôn mới (NTM) bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: Đóng góp ngày công lao động; hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình… Năm 2021, toàn huyện đã nâng cấp, mở rộng, tu sửa, san nền đường giao thông được gần 100 km; thu gom hơn 250 m3 rác thải tại các công trình công cộng; phát cỏ, dọn dẹp vệ sinh 27 km đường giao thông nông thôn; đổ bê tông sân điểm trường và nhà văn hóa được 675 m2… Đến nay, toàn huyện có 1 xã đạt chuẩn NTM (xã Pả Vi), các xã còn lại đạt từ 11 – 12 tiêu chí.
Bên cạnh hoạt động chung tay xây dựng NTM, người dân huyện Mèo Vạc còn đẩy mạnh thực hiện nội dung “Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” thông qua nhiều hình thức như hỗ trợ vốn, cây, con giống. Một trong những hình thức người dân giúp nhau mang lại hiệu quả là hoạt động của mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau. Hiện nay, toàn huyện có 3 CLB với 144 thành viên. Thông qua hoạt động của CLB, các thành viên có thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe, ăn uống đảm bảo vệ sinh cũng như có cơ hội để giao lưu, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ, phát triển. Trên cơ sở những kết quả được, đến năm 2025, huyện Mèo Vạc phấn đấu có thêm 5 CLB được thành lập mới, nâng tổng số CLB toàn huyện lên 8 CLB.
Cùng với những hoạt động trên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Xã Nậm Ban là một trong những điểm sáng của huyện thực hiện tốt nội dung này. Theo Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, Nông Văn Dùng: Trước đây, đồng bào dân tộc Giáy trên địa bàn xã có nhiều quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu như: Trọng nam khinh nữ; thách cưới cao; thủ tục tổ chức đám cưới, đám tang rườm rà, ăn uống dài ngày, linh đình. Sau tổ chức đám cưới, đám tang, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần, luẩn quẩn trong đói nghèo. Tuy nhiên, những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đến nay, các hủ tục trên trong đồng bào dân tộc Giáy đã được xóa bỏ; không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; 100% các đám tang tổ chức không quá 48 tiếng…
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, phong trào TDĐKXDĐSVH ở Mèo Vạc đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, toàn huyện có hơn 11.000 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (trong đó có 2.755 hộ đạt 3 năm liên tục); 126 thôn, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa (trong đó có 17 thôn đạt 5 năm liên tục); 17 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa; 1 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều cá nhân, tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ