Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
BHG - Thực hiện Nghị quyết của BCH T.Ư Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần phát triển KT – XH địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch (DL).
Những ngôi nhà hình quẩy tấu ở khu nghỉ dưỡng H’Mong Village (Quản Bạ) góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng trong đời sống đồng bào Mông. |
Toàn tỉnh hiện có 3 bảo vật quốc gia, 61 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh; đã khảo sát, nhận diện được 370 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 22 di sản được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được Unesco ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, Cao nguyên đá Đồng Văn góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu với nhiều giá trị về di sản, địa chất, địa mạo. Bên cạnh đó, Hà Giang là nơi hội tụ của 19 dân tộc với nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc cùng nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng mở ra cơ hội phát triển DL, đặc biệt là loại hình DL trải nghiệm, khám phá.
Với phương châm phát triển song song với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tỉnh đã trùng tu, tôn tạo, bảo tồn 29 di tích; phục dựng 34 di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân về bảo tồn và gìn giữ di sản; duy trì và phát triển hội “nghệ nhân dân gian”, đến nay có 18 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc; tích cực đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường học; thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian; xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng các dân tộc; khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống quy mô cấp huyện, tỉnh với nhều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai, qua miền di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống về kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian... được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ.
Hiện nay, tỉnh đang chú trọng phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về văn hóa truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm DL độc đáo, có sức cạnh tranh trên thị trường, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Từ đây, nhiều mô hình DL mang đậm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền cực Bắc ra đời, trở thành không gian văn hóa thu nhỏ, lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc, tiêu biểu như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi, xã Pả Vi (Mèo Vạc), khu nghỉ dưỡng H’Mong Village (Quản Bạ); quán cà phê Tam giác mạch (Đồng văn)… thu hút đông đảo du khách tham quan.
Thực tế, sự phát triển KT – XH trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay kéo theo một số hệ lụy, trong đó có sự mai một về văn hóa truyền thống dân tộc. Việc phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển KT – XH chưa rõ nét; một số làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hàng ngày bị thất truyền; nhiều di tích đã xếp hạng chưa được tu bổ, tôn tạo, phục hồi; nhận thức của một bộ phận nhân dân về gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc còn hạn chế.
Xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần phát triển KT – XH bền vững, tạo sinh kế cho nhân dân, ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh và khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu giữ vững các danh hiệu di sản văn hóa đã được ghi danh vào danh mục di sản thế giới và quốc gia; tôn vinh các giá trị di sản văn hóa và khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới; tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, hấp dẫn; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, 100% di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được phục dựng, bảo tồn và 100% di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng các cấp được quy hoạch, tu bổ, phục hồi gắn với phát triển DL.
Theo lãnh đạo Sở VHTT&DL, để hiện thực hóa các chỉ tiêu nghị quyết, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá như: Rà soát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di sản văn hóa vật thể làm cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; ứng dụng khoa học công nghệ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản; bảo tồn di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng; đưa nội dung bảo tồn di sản văn hóa vào giảng dạy trong trường học và trong hương ước, quy ước của thôn, bản; duy trì câu lạc bộ, hội “Nghệ nhân dân gian”; xóa bỏ tập quán lạc hậu trái với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng các sản phẩm DL đặc trưng gắn với văn hóa truyền thống; xây dựng Bảo tàng tỉnh trở thành điểm DL trung tâm, tìm hiểu giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Hà Giang; bảo tồn văn hóa gắn với bảo tồn kiến trúc truyền thống; xây dựng làng, bản, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh và xây dựng Nông thôn mới; xây dựng chính sách thu hút đầu tư, lồng ghép nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa; mở rộng hợp tác quốc tế.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN