Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch
BHG - Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Sản phẩm dệt thổ cẩm của người Tày xã Xuân Giang (Quang Bình). Ảnh: Tư liệu |
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030”; triển khai thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hoá (DSVH) toàn tỉnh để nhận diện và kịp thời có giải pháp bảo tồn, phát huy, ghi danh vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia (Lễ hội chợ Phong lưu (Háng Phúng Lìu) Khâu Vai được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia).
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội thì ý thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân cũng ngày một nâng lên. Trong năm đã mở được 3 lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục Lô Lô (Mèo Vạc); truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông tại thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông (Bắc Mê); dân tộc Tày tại xã Phương Độ (thành phố Hà Giang). Tổ chức khảo sát “Nghi lễ cúng rừng” của dân tộc Cờ Lao, xã Sính Lủng (Đồng Văn); bảo tồn và xây dựng phim tư liệu khoa học về “Nghề dệt của người La Chí”. Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng Nông thôn mới tại huyện Quang Bình. Từ đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Song song với đó, tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền, có kế hoạch lưu giữ và truyền dạy. Tiến hành khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Ngoài ra, tăng cường công tác đầu tư nghiên cứu, bảo tồn những DSVH truyền thống tốt đẹp, như: Trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, ẩm thực; khảo sát, sưu tầm và phục dựng các tiết mục văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống của các dân tộc ít người (sưu tầm, khôi phục Nghi lễ “Cúng thần nước” của dân tộc Mông tại thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ).
Với những lợi thế, kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong phát triển du lịch đã đạt được hiệu quả nhất định, từ đầu năm đến nay, khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 900.000 lượt, trong đó khách quốc tế 4.500 lượt, khách nội địa 895.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt ước đạt 1.620 tỷ đồng.
Việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục, tập quán truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch. Bởi văn hóa là nền tảng trong phát triển của xã hội, đặc biệt là nền tảng phát triển du lịch. Với nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… thì các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch.
Khánh Huyền