Bản Mông bừng sáng - Kỳ cuối: Gìn giữ cội nguồn văn hóa cho mai sau

16:13, 12/12/2021

BHG - Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) là vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ. Trong đó có tiểu dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Tỉnh ta đang tiếp tục triển khai Đề án số 09 “Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn tới. 

Truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc Mông trong trường học.
Truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc Mông trong trường học.

Nhớ về cội nguồn văn hóa dân tộc Mông, ông Vàng Chá Thào, Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo (Đồng Văn) đều đặn hàng tuần tới Trường THCS xã Phố Cáo để lên lớp dạy văn hóa truyền thống dân tộc Mông cho học sinh, gắn với tuyên truyền Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10.5.2021 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Ông Thào, chia sẻ: “Tôi bắt đầu truyền dạy văn hóa dân tộc Mông từ năm 2016 theo chủ trương của tỉnh, mỗi năm tôi đều dạy 1 lớp cho các trưởng dòng họ ở các thôn, bản và cho học sinh THCS. Tôi truyền dạy, kể lại các câu chuyện về nguồn gốc của người Mông gắn liền với cái khèn Mông ra đời, dạy múa, dạy thổi khèn, dạy các bài hát dân ca Mông. Bên cạnh đó, tôi tuyên truyền các chỉ thị của tỉnh và huyện Đồng Văn về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, vận động các dòng họ đưa người mất vào áo quan, không để đám tang kéo dài ngày. Đến nay, có hơn 60% người dân có suy nghĩ tiến bộ hơn, thay đổi các hủ tục ”.

Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông huyện Yên Minh.                                    Ảnh: TƯ LIỆU
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông huyện Yên Minh. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa, tỉnh ta chú trọng triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác văn hóa dân tộc, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đối với vùng đồng bào các DTTS; xây dựng các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện bảo tồn văn hóa dân gian… Trong đó, ngành Văn hóa đã khảo sát, thống kê 29 di sản văn hóa dân tộc Mông. Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Gầu Tào; nghệ thuật Khèn của người Mông; kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông; tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang. Ngành Văn hóa đã và đang đưa ra những giải pháp khuyến khích duy trì và khôi phục một số nét đẹp văn hóa cũng như loại bỏ các hủ tục trong cộng đồng; hình thành và duy trì hiệu quả các Hội nghệ nhân dân gian để người dân được tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Bên cạnh đó, hoạt động phục dựng, bảo tồn và duy trì các lễ hội truyền thống được quan tâm. Thông qua đó, nhân lên các giá trị tốt đẹp trong đời sống, tăng cường tình đoàn kết, gắn kết cộng đồng. 

Những thành tựu trên chính là nguồn động lực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là đối với sự phát triển du lịch, đang là thế mạnh. Chính vì thế, trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh ưu tiên chương trình phát triển du lịch.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Triệu Thị Tình, cho biết: Muốn phát triển du lịch, trước hết cần phải thực hiện tốt việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các DTTS. Chương trình phát triển du lịch phải song hành với công tác bảo tồn tri thức dân gian (bài thuốc dân gian, nghề trồng cây thuốc nam, nghề trồng rừng), các loại hình di sản văn hóa như văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, diễn xướng dân gian, lễ hội dân gian…

Đặc biệt, công tác bảo tồn di sản văn hóa phải gắn với quảng bá hình ảnh di sản nhằm mục tiêu phát triển du lịch để phát triển KT-XH ở từng địa phương. Ví dụ: Khôi phục, nâng cấp công nghệ các ngành nghề thủ công truyền thống, mang tính văn hoá của các vùng dân tộc trong tỉnh như dệt lanh, thổ cẩm, may quần áo dân tộc, mây tre đan, trồng và chế biến chè, sản xuất vật liệu xây dựng, rèn, đúc lưỡi cày, cuốc… Tiếp tục đầu tư dạy nghề, phát triển các nghề sản xuất thủ công nghiệp, sử dụng các nguồn nguyên liệu địa phương, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hình thành các Hiệp hội nghề thủ công nghiệp tạo điều kiện để mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường, nâng cao quy mô và giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho phát triển du lịch. 

Để bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa của các DTTS, tỉnh định hướng tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông gắn với phát triển kinh tế, du lịch, xây dựng NTM theo Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Xây dựng đề án thực hiện Nghị Quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của người dân trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông trước sự phát triển và xu thế hội nhập. Hàng năm, bố trí ngân sách địa phương và tranh thủ nguồn lực đầu tư của Trung ương, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư, hoàn thiện các công trình, dự án bảo tồn văn hóa dân tộc Mông. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ gắn với bao tiêu sản phẩm; phát triển các đội văn nghệ dân gian. Tập trung ưu tiên các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, đề án của tỉnh về phát triển KT-XH trong vùng đồng bào DTTS, đẩy nhanh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hoá.

Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS, góp phần làm cho diện mạo của đời sống văn hóa tộc người thêm phong phú, đa dạng và đây sẽ là nguồn động lực quan trọng của đồng bào các dân tộc trong đời sống đương đại.

Bài, ảnh:  VIỆT TÚ

[links()]


Cùng chuyên mục

Hà Giang có một tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh "Không gian Di sản văn hóa Việt Nam"

BHG - Vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ bế mạc và trao giải cuộc thi và triển lãm ảnh "Không gian Di sản văn hóa Việt Nam". Sau hơn 5 tháng phát động (1.6.2021 – 31.10.2021), mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, nhiệt tình tham gia của các nghệ sỹ nhiếp ảnh và các tác giả không chuyên trên toàn quốc. Với 1.700 tác phẩm ảnh của 204 tác giả, bao gồm ảnh bộ và ảnh đơn, trải qua 3 vòng chấm kĩ lưỡng từ Hội đồng Giám khảo, kết quả có 52 tác phẩm lọt vào vòng chung kết.

30/11/2021
Học sinh thành phố Hà Giang sẵn sàng quay trở lại trường học

BHG - Sau khi thành phố Hà giang đã cơ bản khống chế được dịch Covid- 19, đưa thành phố trở về "vùng xanh". Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và thành phố Hà Giang về việc cho học sinh trở lại trường bắt đầu từ thứ 2, ngày 29.11.2021.

29/11/2021
Hà Giang - điểm đến an toàn, thân thiện

BHG - Cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh ta ghi nhận đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay, tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Căn cứ kết quả phân loại cấp độ dịch trên địa bàn của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có thông báo đón du khách trở lại Hà Giang từ ngày 23.11.2021 theo phương châm xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, đảm bảo phòng, chống dịch cho du khách và người dân.

29/11/2021
Đoàn nghệ thuật tỉnh đoạt huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tại Hải Phòng

BHG - Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức đã bế mạc vào tối 28.11, tại Nhà hát tháng Tám TP. Hải Phòng. Chương trình nghệ thuật " Sống trên đá, thác về với đá" của đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang mang tới Liên hoan được dàn dựng công phu, đặc sắc lấy cảm hứng từ nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của các dân tộc riêng có ở nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc...

29/11/2021