Ai gọi về mùa Cọ chín
BHG - Có lẽ đã lâu lắm mới có mùa quả Cọ sai nhiều như năm nay, có người nói là đã bốn năm, người lại nói đã sáu năm rồi. Còn chị tôi hay bị các cháu “lôi” đi hết thị trấn giúp trông nhà lại vào xã trông chắt thì nói: Lâu lắm rồi, gần như quên là có mùa quả Cọ.
Cọ ỏm xong có vị bùi, thơm rất hấp dẫn. |
Không hiểu vì sao bây giờ Cọ lại khó đậu quả như vậy. Người thì bảo do chặt lá quá mức, người thì nói là bán hết trâu, trâu không lên rừng ngủ nên rừng Cọ cằn cỗi... Một anh có vẻ có học thì nói: Là do biến đổi khí hậu. Nói tóm lại là có được mùa quả Cọ như năm nay là sự ban tặng của mẹ thiên nhiên. Nghe cũng đúng... Lý sự râm ran của mấy anh chị vừa bán quả Cọ, vừa bán thịt ở ngã ba đường quả là vui nhộn. Có tiếng còi báo cảnh giác và thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19, ai cũng sờ lên mũi sửa lại cái khẩu trang.
Ngày xưa, hầu như năm nào Cọ cũng đều sai quả, trở thành một mùa hẳn hoi. Mùa quả Cọ liền kề với mùa quả Trám, quả Sấu. Đó là khoảng thời gian sôi động của mùa Đông giá rét ở quê tôi. Khoảng một tháng trước khi vào mùa quả Cọ chín, ông tôi cùng với mấy người chuẩn bị bẫy thú, chim, gà rừng... Những cái cạm làm bằng cây Vầu, để rám nắng mới đem lên rừng Cọ đặt nơi các con thú nhỏ đi qua. Mỗi năm làm một lần, mỗi lần chỉ từ mười ba đến mười bảy chiếc. Gần Tết Nguyên đán thì đánh sập, không đặt bẫy nữa. Và mỗi năm đặt một khu rừng. Chuột rừng, sóc, gà rừng phát triển rất nhanh trong mùa quả Cọ chín, chúng rất béo và nhiều vô kể. Đó là nguồn thực phẩm nuôi chúng tôi trong mùa Đông giá lạnh. Tôi thường nghe người già nói “mác Cọ pân lai, khai vài thự thửa” (Quả cọ sai nhiều bán trâu mua áo). Ý nói năm đó thời tiết sẽ rất rét. Ngày xưa ít áo, quần nên năm nào tôi cũng cảm thấy rét và lạnh. Những cây cọ sai quả trĩu trịt, kéo cả ngồng cong cong như những bông lúa khổng lồ, khi chín màu quả chuyển từ xanh lơ sang màu chàm xẫm.
Muốn biết quả cọ chín, ăn được hay không là cả một quy trình. Các bà, các chị lấy cây sào chọc vài quả rồi dùng dao khía một miếng cùi kiểm tra theo kinh nghiệm. Trước hết xem có bị sâu không, có mịn và dẻo không, cùi dày, nhiều mỡ không... rồi mới quyết định rung ngồng cho Cọ rụng. Những người biết được chất lượng quả Cọ như thế làng tôi chỉ có vài người. Còn đại đa số là lấy đại, đánh dấu quả của từng cây, mỗi cây lấy một ít về ngâm ỏm mới biết được chất lượng. Bọn tôi thì thêm mẹo chọn quả Cọ bằng cách xem cây nào chim tập trung ăn nhiều, sóc hay vào lấy quả thì đó là những cây có quả ngon. Thế nhưng, những cây như vậy thường cao vút đến cả chục mét hoặc tận rừng sâu, núi cao. Người ta cũng hay giấu nhau những cây có quả ngon, vậy nên mới có chuyện ăn trộm quả cọ của nhau. Mặt trời ngả về chiều, trên rừng Cọ lại râm ran tiếng rung quả cọ, tiếng gọi nhau í ới. Họ gọi nhau lấy sào dài, chặt cành cây tạo những cái móc câu, cùng nhau dựng sào, ngoắc vào ngồng Cọ, rồi ra sức rung. Quả Cọ rơi rào rào xuống đất. Họ lấy chính những chiếc lá cọ non làm thành cái nải đựng quả, như thế quả cọ sẽ không bị trầy xước. Quả Cọ được cho vào nồi ỏm. Có nơi người ta xóc cho quả Cọ tróc phần vỏ ngoài, có nơi cứ để nguyên. Quả Cọ ngon, ngậy, ăn cùng sôi thì thật là tuyệt.
Những đàn chim Héc đen, Héc đầu trắng, chim Gù ghì, Tu rúc xanh, chim Yểng, Sáo, Vẹt, có năm có cả đàn Phượng hoàng... Chúng là chủ nhân ban ngày của rừng Cọ. Màn đêm buông xuống nhường chỗ cho các loại thú: Sóc bay, cầy bay, chuột rừng... làm chủ. Tiếng quả Cọ thủng thẳng rơi, tiếng hú dài hoang dại của những con cầy bay trong đêm vắng mùa Cọ chín đã trở thành âm thanh gợi nhớ quê hương, nhớ mùa quả Cọ chín cho những người con xa xứ.
Trời cũng đã mấy lần lạnh. Người lên lấy quả Cọ vẫn như xưa và còn có phần nhộn nhịp hơn. Đã có những mẻ quả Cọ ngon được bày bán. Mà bán rất chạy. Mùa dịch Covid hoành hành, nhưng qua mạng họ ship đến tận cổng. Rừng Cọ quê tôi râm ran tiếng người từ sáng chứ không đợi đến khi chiều tà. Nó không còn chỉ là ẩm thực theo mùa nữa mà trở thành hàng hóa để bán, để làm quà. Mùa Cọ chín còn vẫy gọi du khách gần xa. Nhưng có một điều không như xưa nữa: Mùa Cọ chín chẳng còn tiếng chim, tiếng sóc, không còn tiếng hú của những con cầy bay gọi đàn, chỉ còn tiếng lộp bộp của quả Cọ rụng xen vào tiếng sương rơi. Mùa Cọ chín quê tôi ai đó đang gọi về!
Hoàng Kiệm