"Gạn đục khơi trong" dâng hương sắc cho đời

18:06, 21/06/2021

BHG - Theo năm tháng, bước chân người làm báo nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc đã in dấu trên khắp mọi nẻo đường, từ thành thị đến nông thôn, từ nội địa đến khu vực biên giới xa xôi. Bằng trái tim yêu nghề, lòng nhiệt tình cách mạng cùng ngòi “bút sắc”, họ đã cho ra đời những tác phẩm báo chí làm “cầu nối” ý Đảng – lòng dân; “gạn đục khơi trong”, dâng hương sắc cho đời.

Phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại xã Tân Lập (Bắc Quang).
Phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại xã Tân Lập (Bắc Quang).

Bất luận thời tiết mùa Đông buốt giá hay ngày Hè nắng cháy, thậm chí tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm bởi thiên tai, dịch bệnh; đội ngũ phóng viên Báo Hà Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) tỉnh vẫn hăng hái lên đường, thực hiện sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng. Nhà báo Lê Hải (Báo Hà Giang) nhớ mãi chuyến công tác đến xã biên giới Tả Ván (Quản Bạ): Sau đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, xã Tả Ván có đến hơn 300 ha Thảo quả bị ảnh hưởng, khiến đồng bào Mông điêu đứng trước nguy cơ thiệt hại lớn về kinh tế. Trăn trở với đồng bào, nhà báo Lê Hải đã vượt bộ quãng đường rừng suốt hơn 4 giờ đồng hồ “mục sở thị” rừng Thảo quả, mang hơi thở cuộc sống đến với bạn đọc. Khi quay trở về chân rừng, đồng hồ điểm 6 giờ tối, khép lại hành trình 10 giờ đồng hồ vừa đi bộ, vừa tác nghiệp…

Phóng viên Báo Hà Giang trao đổi nghiệp vụ ảnh báo chí. 						Ảnh: THU PHƯƠNG
Phóng viên Báo Hà Giang trao đổi nghiệp vụ ảnh báo chí. Ảnh: THU PHƯƠNG

Tháng 4.2020, tỉnh ta ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là (Đồng Văn). Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhà báo Kim Tiến, Duy Tuấn (Báo Hà Giang) không quản ngại nguy hiểm, dấn thân vào tâm dịch để chuyển tải thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, hình ảnh chân thực nhất từ hiện trường tới người dân; kịp thời định hướng dư luận, tạo sự yên tâm, tin tưởng vào công tác chống dịch của tỉnh. Nhiều phóng viên, nhà báo như: Văn Long, Biện Luân, Mộc Lan, My Ly, Phạm Hoan, Trần Kế (Báo Hà Giang); Văn Bính, Đình Anh, Hồng Duyên, Hải Hà (Đài PT-TH tỉnh) đã thực sự trở thành những “chiến sỹ cầm bút” xông pha chống giặc Covid-19 khi dấu chân họ in đậm các khu cách ly, chốt kiểm dịch y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên khắp các tuyến nội địa, biên giới.

Phóng sự, phóng sự điều tra được ví như “đại bác” của báo chí. Bởi đây là thể loại hấp dẫn, lôi cuốn sự quan tâm của công chúng và tạo ra sức sống cho một tờ báo. Song, điều đó cũng đòi hỏi người làm báo phải thực sự “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để mang đến cho công chúng bức tranh hiện thực sinh động, giàu tính nhân văn hay đi sâu vào những sự thật chứa đựng mâu thuẫn trong đời sống, giúp người tiếp nhận thông tin có góc nhìn thấu đáo về vấn đề, sự kiện, nhân vật… Nhiều nhà báo đã khẳng định thương hiệu khi dấn thân vào thể loại phóng sự điều tra, như: Thiên Thanh, Hiến Chương, Đức Dũng, Huy Toán (Báo Hà Giang), Tuấn Quỳnh, Văn Hương, Đình Anh, Văn Bính (Đài PT-TH tỉnh). Nhà báo Hiến Chương chia sẻ: Nếu không có tình yêu nghề và hơn hết là đam mê thể loại thì hiếm nhà báo nào có thể theo đuổi thể loại phóng sự lâu dài. Vì nó đòi hỏi sự dấn thân, đầu tư công sức, thời gian, đôi khi cả tiền bạc và sự hy sinh. Làm phóng sự điều tra cũng yêu cầu người làm báo am hiểu kiến thức về pháp luật để tránh vi phạm, thậm chí tránh bị đối tượng “gài bẫy” ngược.

Khi phóng sự điều tra “Những dự án trồng rừng trên giấy” phát trên sóng HGTV (năm 2020) của nhóm tác giả Tuấn Quỳnh, Văn Hương gây hiệu ứng xã hội tích cực. Để có tác phẩm báo chí chất lượng, họ đã thâm nhập cơ sở, rong ruổi khắp các cánh rừng của thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Yên Minh… tìm ra góc khuất trong công tác quản lý rừng khi 22 dự án trồng rừng đã được cấp phép còn nguyên trên giấy; khiến tài nguyên đất bị lãng phí, hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ không mang lại kết quả. Suốt 4 tháng trời “ăn ngủ với đề tài”, chúng tôi liên tục nhận được điện thoại của người liên quan “nhờ”, “xin” dừng việc điều tra. Nhưng với trách nhiệm nghề nghiệp, chúng tôi đã phản ánh chân thực, khách quan, đúng bản chất vấn đề nhằm góp tiếng nói, đề xuất giải pháp để các cấp, ngành, đơn vị hữu quan tăng cường biện pháp quản lý rừng hiệu quả” – nhà báo Tuấn Quỳnh chia sẻ.

Quá trình làm phóng sự, đội ngũ người làm báo sẵn sàng nhập vai, nhập cuộc, đi tận nơi, nghe tận tai, nhìn tận mắt, sờ tận tay, nếm tận miệng, “gạn đục khơi trong”… để có những chi tiết quan sát đắt giá, nhận định sắc sảo, rung cảm thực sự trước sự việc, hiện tượng. Bằng tình yêu nghề, các nhà báo đã dồn tâm huyết vào đề tài, tạo nên những tác phẩm phóng sự, phóng sự điều tra chất lượng, mang đậm hơi thở của cuộc sống, tiêu biểu có thể kể đến tác phẩm: “Cần có biện pháp xử lý hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lô”, “Nhà máy gạch tuy - nen Vị Xuyên có thoái thác trách nhiệm?”, Phong Quang, mùa dứa “nóng”, “Quốc lộ 279 đoạn qua Hà Giang - bên thảm lụa, bên... sình lầy”; “Kỳ công “cõng cỏ” nuôi bò Vàng trên Công viên đá”, “Về “miền đất dốc” mùa nước đổ!”, “Khúc tráng ca về cuộc mưu sinh nơi “hiểm địa” Mã Pì Lèng; “Đại công trường khai thác đá trái phép ở Yên Minh”; “Xuất khẩu hàng hóa và những rào cản”… tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội tích cực, để lại dấu ấn sâu sắc với độc giả, khán, thính giả, góp phần xây dựng các giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”…

Với tư cách là chủ thể của hoạt động thông tin đại chúng, nhà báo – phóng viên ngày càng nhận được nhiều hơn sự tin tưởng, yêu mến và gắn bó của công chúng. Đáp lại tình cảm đó, hơn bao giờ hết, người làm báo nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc luôn ý thức về vai trò, trách nhiệm, rèn phẩm chất “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để mỗi bài báo thực sự “là tờ hịch cách mạng” phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như kỳ vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Hà Giang tổ chức Tuần văn hóa du lịch "Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì" lần thứ VI

BHG - Tuần văn hóa du lịch "Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì" lần thứ VI năm 2021 dự kiến diễn ra từ ngày 4 – 30.9.2021. Theo thông tin từ Ban tổ chức, các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện có nội dung phong phú, với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, các nghệ nhân tại địa bàn. Trong đó tập trung khai thác, trình diễn...

21/06/2021
Chuyện tác nghiệp giữa trùng khơi

BHG - Những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020, tôi được Ban Biên tập Báo Hà Giang cử tham gia chuyến công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cùng những người làm báo từ các tỉnh thành trong cả nước đến thăm và chúc Tết các Nhà giàn DK1 và huyện Côn Đảo. 

21/06/2021
Chuyển đổi số tạo ra phương thức làm việc mới theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thay đổi tư duy lãnh đạo và Tòa soạn Báo Hà Giang

BHG - Là một tờ báo ở một tỉnh biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi cho rằng báo chí là một trong những lĩnh vực cần đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số để có những thay đổi về phương thức tổ chức và hiệu quả hoạt động.

20/06/2021
Báo Hà Giang hội nhập và phát triển

BHG - Sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian qua với nhiều thành tựu nổi bật về KT – XH, AN - QP từng bước đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi; là tiền đề quan trọng để toàn Đảng bộ hướng đến mục tiêu: Xây dựng Hà Giang phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Thành quả chung ấy luôn có sự đồng hành của Báo Hà Giang.

19/06/2021