Những món ăn đặc sắc của người Mông ở Đồng Văn
BHG - Huyện Đồng Văn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mang nhiều bản sắc riêng về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực. Trong đó, người Mông có nhiều món ăn lạ, ngon, hấp dẫn thu hút nhiều thực khách đến thưởng thức hương vị đặc trưng chỉ có nơi miền đá; tình cảm, tâm tình của con người nơi đây gửi gắm vào trong từng món ăn, thể hiện lòng hiếu khách của đồng bào miền cực Bắc.
Chảo Thắng cố bắt mắt của người Mông, đầy đủ các hương vị tinh túy của miền rừng tại thị trấn Đồng Văn. |
Ẩm thực của người Mông ở Đồng Văn từ lâu vẫn được biết đến với nhiều món ăn hấp dẫn, mang hương vị đặc biệt. Nhiều món ăn đã gây niềm thương nhớ trong tâm trí du khách thập phương. Trong đó, có thể nhắc đến các món ăn truyền thống của đồng bào nơi đây như: Mèn mén, Thắng cố, bánh Giầy, gà đen, thịt lợn treo gác bếp, rau cải, ngồng cải cay muối chua… Từ xa xưa, ngô đã trở thành thức ăn chính trong đời sống thường ngày. Món ăn ngon từ những hạt ngô được uống sương, tắm nắng, hưởng gió nơi miền đá gắn bó với người Mông nơi đây là mèn mén, được tạo nên từ hạt ngô tẻ của địa phương, được xay nhỏ trên cối đá, đến khi hạt ngô thành bột thì trộn với nước, sau đó cho vào chõ đồ đến khi chín. Chị Trần Hải Lý, đến từ Hải Phòng cho biết: Mình đã đi du lịch ở nhiều địa phương, nhưng ấn tượng nhất với mình có lẽ là Cao nguyên đá Đồng Văn, ẩm thực của người Mông là thứ mê hoặc nhất, bởi sự giản đơn, không cầu kỳ nhưng lại mang hương vị cuốn hút mà không nơi nào có được, đã thử 1 lần sẽ nhớ mãi.
Công đoạn giã bánh Giầy của người Mông, tại xã Lũng Táo. |
Thắng cố từ lâu vẫn được biết là món ăn ngon, độc lạ, với nguyên liệu được làm từ những bộ phận nội tạng của ngựa, bò, dê, lợn… Được rửa sạch, ướp các gia vị gồm: Muối trắng, Thảo quả, quế, Địa điền, lá chanh nướng thơm được tán nhỏ… Sau đó cho vào xào lăn, rồi ninh nhừ, để tạo ra 1 nồi Thắng cố ngon cần phải có bí quyết, kinh nghiệm riêng. Anh Nguyễn Nam Chí, đến từ Vũng Tàu chia sẻ: Thắng cố mang hương vị rất đặc trưng phảng phất mùi hương nồng nàn say đắm của núi rừng; chảo được đặt trên bếp ăn đến đâu múc ra đến đó, ăn kèm ớt gió núi, 1 ít ngồng cải muối chua, không thể thiếu những chén rượu ngô thơm nồng là có thể cảm nhận được những vị ngon tinh túy của vùng biễn viễn.
Công đoạn sàng bột ngô để làm món mèn mén của người Mông tại xã Sủng Là. |
Bánh Giầy là 1 trong những món ăn không chỉ biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai, gái người Mông mà còn là thứ bánh tượng trưng cho mặt Trăng và mặt Trời, nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật. Gạo nếp thơm, dẻo được ngâm trong 24 giờ, cho vào chõ đồ, sau đó những thanh niên trẻ khỏe sẽ được giao nhiệm vụ giã bánh, giã đến khi bánh nhuyễn thì cho ra nặn thành từng khuân tròn. Em Tạ Hồng Chi, đến từ Quảng Nam tâm tình: Em thấy bánh Giầy của người Mông ở Đồng Văn rất đặc biệt, từ cách làm đến hương vị rất lôi cuốn, mùi gạo nếp nương rất thơm, vị ngọt thanh, thơm dịu, mật ong rừng tạo lên linh hồn cho chiếc bánh.
Gà đen thường được thả tự nhiên bay, nhảy tìm kiếm thức ăn ở nơi khí hậu khắc nghiệt nơi miền đá. Chính vì thế thịt rất chắc, thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà hiện nay trên cả nước. Bên cạnh đó, gà đen có giá trị dinh dưỡng cao gấp nhiều lần so với gà thường, luôn được coi là 1 vị thuốc nâng cao sức khỏe. Có rất nhiều các món ăn được chế biến từ gà đen như: Canh gừng, hầm linh chi, nướng mật ong rừng…
Ẩm thực của người Mông ở Đồng Văn thực sự rất đa dạng, những món ăn truyền thống mang đặc trưng nơi miền đá, thực sự lôi cuốn thực khách. Đã đến đây được trải nghiệm hương vị của núi rừng, quyến luyến không muốn rời đi, mang trong lòng sự thương nhớ khó có thể diễn tả hết thành lời.
Bài, ảnh: Thái Khang
Ý kiến bạn đọc