Hồ Chí Minh - Người thương dân nhất
BHG - Trên hành tinh này, ở đâu cũng có người sinh sống và có người tài giỏi, nhưng người thương dân thì hiếm có. Đất nước nào cũng có bất công, kẻ giàu và người nghèo ở trước thế kỷ 20. Giàu do bóc lột mà có, nghèo suốt đời làm nô lệ. Giàu thì đủ mọi quyền lực, nghèo chỉ hành động theo sự sai khiến của người giàu. Xã hội ấy đâu cũng có. Mác và Ăngghen nghiên cứu và đúc kết nguyên nhân các cuộc đấu tranh từ xã hội bất công, muốn xóa bỏ bất công phải có một xã hội mới - xã hội người làm ra của cải phải là người làm chủ và có quyền hành. Lênin là người tiên phong thực hiện tư tưởng Mác - Ăngghen, lãnh đạo nhân dân lao động ở nước Nga đứng lên làm cách mạng tháng Mười thành công.
Bác Hồ trong một bữa cơm cùng đồng bào, chiến sỹ tại chiến khu Việt Bắc. ảnh: Tư Liệu |
Nguyễn Tất Thành được chứng kiến xã hội bất công ở Việt Nam, biết đã từng có nhiều người đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam nhưng đều thất bại vì không có lòng thương dân, đấu tranh thắng lợi để mình làm quan của dân. Từ suy nghĩ đó, Nguyễn Tất Thành quyết định đi ra nước ngoài tìm con đường chân chính để cứu nước nhà độc lập, dân ta được tự do. Với tuổi hai mươi, Nguyễn Tất Thành đã bôn ba hải ngoại, qua hàng chục nước, đến đâu cũng thấy cảnh bất công. Hơn chục năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin tại chính nước đang thống trị dân tộc Việt Nam. Nguyễn Tất Thành quyết định xin tham gia Đảng xã hội Pháp với tên mới: Nguyễn Ái Quốc. Trải qua thực tiễn hoạt động trong Đảng xã hội tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rõ ràng hơn về một đảng cách mạng chân chính. Nguyễn Ái Quốc gửi thư yêu cầu chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc còn tham gia đấu tranh cho các dân tộc khác, kể cả cho người dân ở chính quốc (Pháp). Từ Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc tham gia Quốc tế Cộng sản từ năm 1920 và trở thành đảng viên cộng sản từ đó. Với tư cách đảng viên đảng cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc có hàng chục hoạt động đấu tranh đòi dân chủ cho nhân dân các nước thuộc địa của Pháp bằng các bài phát biểu trên diễn đàn chính trị, hàng loạt bài viết đăng trên các loại báo của nước Pháp.
Trải qua quá trình hoạt động tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Quốc tế Cộng sản cho về Trung Quốc hoạt động để đưa cách mạng về Việt Nam.
Tháng 9.1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1925 tổ chức mở lớp huấn luyện cho thanh niên Việt Nam về con đường cách mạng. Thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản giao phụ trách cả Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Philippin nên Nguyễn Ái Quốc là nhà hoạt động quốc tế. Trải qua thực tiễn hoạt động, Nguyễn Ái Quốc khẳng định một chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản” (trang 39, Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, xuất bản 2002).
Đối với Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc chăm lo đưa cách mạng về trong nước. Tuy điều kiện chưa cho phép về nước, sống tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc một mặt mở các lớp huấn luyện đào tạo người hoạt động đưa cách mạng về nước, một mặt lập ra các tổ chức quần chúng như thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nhi đồng mang tên Cứu quốc, thu hút các tầng lớp nhân dân vào hội tìm hiểu đường lối cách mạng của Đảng. Đỉnh cao là thành lập tổ chức lãnh đạo làm cách mạng - Đảng cộng sản tại Việt Nam (3.2.1930).
Năm 1941, khi trở về nước, Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị Trung ương Đảng họp tại Pác Bó thảo luận và quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất mang tên: Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt minh. Nguyễn Ái Quốc nói: “Nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.” (trang 61, Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc). Cũng tại hội nghị lần thứ 8 của Trung ương, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (trang 195 – 196, tập III văn kiện của Đảng).
Đến khi cách mạng thành công, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh, được bầu làm Chủ tịch Đảng cộng sản Việt Nam. Với tên gọi trìu mến, gần gũi, toàn dân Việt Nam đều gọi Hồ Chí Minh là Bác Hồ. Người luôn dạy Đảng ta về đạo đức, tác phong, lối sống phải gần dân, sát dân, quan tâm lao động sản xuất, cuộc sống của dân (cơm ăn, áo mặc, học hành), không được có tư tưởng quan cách mạng, quan của dân mà luôn phải xác định vì dân mà phục vụ. Người chỉ rõ, muốn được thế phải xóa bỏ cá nhân chủ nghĩa, phải sống “mình vì mọi người”. Hồ Chí Minh đã sống cả một cuộc đời vì dân, không một chút mưu cầu lợi ích cho bản thân. Ngày nay, theo yêu cầu của Đảng, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã xuất hiện nhiều tấm gương tốt.
Triệu Đức Thanh
Ý kiến bạn đọc