Hoàng Su Phì xây dựng đời sống văn hóa từ cơ sở
BHG - Năm 2020 vừa tròn 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào thực tiễn, tạo nên sự chuyển biến sâu rộng, hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh. Tại huyện Hoàng Su Phì, phong trào nhận được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Mỗi gia đình, mỗi khu dân cư đều tự giác, tích cực và đoàn kết xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi từ cơ sở.
Phong trào thể dục, thể thao được người dân thị trấn Vinh Quang tích cực hưởng ứng. |
Về các xã, thị trấn của huyện Hoàng Su Phì có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay tích cực của diện mạo nông thôn từ những con đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gia đình” cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đem tới sự đổi thay đáng kể. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện các nội dung của phong trào.
Trong đó, phong trào đoàn kết giúp nhau giảm nghèo đã mang lại những kết quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT – XH của địa phương. Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gia đình các cấp đã tích cực vận động nhân dân tự nguyện đóng góp ngày công, hiến đất làm đường và các công trình dân sinh trong xây dựng Nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa gắn với thực hiện chương trình OCOP. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 24,5 triệu đồng, tăng 9,6 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 6,11%. Từ 2015 đến nay, huyện đã hỗ trợ ổn định cuộc sống và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 46 tỷ đồng, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 5.164 đối tượng, giải quyết việc làm cho 8.393 lao động… Từ đó, góp phần giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa trong nếp sống của từng cá nhân, gia đình, khu dân cư. Năm 2020, toàn huyện có 9.778/13.829 gia đình đạt gia đình văn hóa; 126 thôn, tổ dân phố đạt thôn, tổ dân phố văn hóa; 100 cơ quan, đơn vị văn hóa. Việc xây dựng môi trường văn hóa được triển khai hiệu quả, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy; các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang từng bước được xóa bỏ. Phong trào phòng, chống tệ nạn xã hội được đẩy mạnh, số người vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội ngày càng giảm, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở thôn, tổ dân phố. Xây dựng môi trường sống sạch - đẹp - an toàn cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai bằng những hành động thiết thực như: Thu gom, xử lý rác thải; chỉnh trang, xây dựng khuôn viên cây xanh, cổng chào và trồng hoa, cây cảnh nhằm tạo môi trường thoáng mát, xanh - sạch - đẹp…
Cùng với đó, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện có hội trường thôn kiêm nhà văn hóa, được trang bị các phương tiện hoạt động thiết yếu như tăng âm, loa đài, micro để phục vụ công tác tuyên truyền và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở. Duy trì 140 đội văn nghệ quần chúng, 36 câu lạc bộ thể thao. Phong trào luyện tập thể dục, thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ trên địa bàn phát triển ngày càng sâu rộng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú cho nhân dân.
Ngoài ra, nhiều đoàn thể, cơ quan, đơn vị cũng phát động các phong trào mang dấu ấn riêng như: Mô hình “Nhà sạch – vườn đẹp”, “Tổ phụ nữ xách làn đi chợ” của Hội phụ nữ các cấp; hoạt động thu gom, xử lý rác thải của Đoàn thanh niên; phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội nông dân các cấp; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của lực lượng công an…
Đồng chí Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gia đình” trên địa bàn huyện để lại dấu ấn đậm nét với những đổi thay tích cực trong diện mạo nông thôn và trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển bền vững, xây dựng Nông thôn thêm giàu đẹp, văn minh.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc