"Room to read" - thư viện thân thiện cho học sinh
BHG - Thông qua mô hình thư viện thân thiện giúp học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số phát triển thói quen đọc sách, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ là lợi ích mà Room to read mang lại.
Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ hướng dẫn học sinh chọn sách. |
Vào đầu năm học 2019 – 2020, Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học xã Quản Bạ được lựa chọn là 1 trong 5 trường tiểu học, làm thí điểm mô hình Thư viện thân thiện Room to Read (tổ chức phi Chính phủ của Mỹ). Phó Hiệu trưởng nhà trường, Nguyễn Thị Thúy Hương, cho biết: “Từ khi có thư viện thân thiện đã thu hút học sinh đến tham gia các hoạt động ngày càng nhiều hơn. Thông qua đó, phát huy được vai trò hỗ trợ giáo dục đào tạo, giúp học sinh thư giãn, tích lũy kiến thức – kỹ năng, tăng cường khả năng tư duy – sáng tạo, trở thành nơi thú vị, không chỉ kích thích đọc sách mà còn là môi trường góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em”.
Cứ mỗi giờ ra chơi, em Vàng Seo Ly, học sinh lớp 3, lại tranh thủ đến thư viện để tìm sách mang về đọc. Em Ly chia sẻ: “Trường có thư viện là nơi để em đến mượn sách, truyện tranh mang về đọc nên em rất vui. Từ việc đọc nhiều truyện tranh đã giúp em đọc sách tốt hơn, em mong trường luôn có nhiều sách, truyện hay để cho chúng em đọc mỗi ngày”. Thực hiện chương trình, trường PTDTBT tiểu học Quản Bạ đã xây dựng một thư viện có diện tích 195 m2 gồm 1 phòng thư viện, 1 phòng đọc, kho để sách. Ngoài phòng thư viện, nhà trường còn có Thư viện xanh ngoài trời rộng rãi.
Một trong những hoạt động quan trọng của chương trình là tổ chức tiết Đọc thư viện, được đưa vào thời khóa biểu của nhà trường, với 4 hoạt động đọc chính gồm: Đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân và các hoạt động mở rộng. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Hương, cho biết thêm: “Thư viện được nhà trường bố trí khoa học, có góc tra cứu, góc vẽ, trò chơi, các giá sách nhiều chủng loại sắp xếp bài bản, ngăn nắp; bố trí thời gian theo lớp, theo tiết học để học sinh tham gia đọc và trao đổi sách, đảm bảo cho hơn 400 học sinh toàn trường đều được tham gia hoạt động tại thư viện. Từ khi thư viện hoạt động, học sinh trong trường rất hứng thú được tham gia các hoạt động của thư viện, phong trào đọc sách của học sinh tăng lên”.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ thư viện, cho biết: Thư viện mở cửa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, hàng ngày tôi có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh về nội quy thư viện và cách tìm sách theo mã màu, hướng dẫn học sinh về quy trình mượn, trả sách và cách bảo quản sách. Thư viện nhà trường cũng thường xuyên kết hợp với các tổ chức trong trường như: Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền Phong, phụ trách các câu lạc bộ tuyên truyền, giới thiệu sách tới học sinh 1 lần/tháng; tổ chức ngày hội đọc sách, vệ sinh kho sách, tuyên truyền giới thiệu sách, báo, tài liệu mới tới giáo viên và học sinh. Để đảm bảo sách cho thư viện hoạt động, hàng năm nhà trường có sự đầu tư thường xuyên về sách, truyện cho thư viện; đặt mua đủ 4 đầu báo/tháng giao cho thư viện và vận động các thầy, cô mỗi người 10 đầu sách, phát động đến học sinh quyên góp sách cho phòng đọc. Đến nay, thư viện đã có hơn 4.450 cuốn sách các loại, phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.
Mô hình thư viện thân thiện được đánh giá là phù hợp với tâm lý độ tuổi học sinh tiểu học, hỗ trợ thói quen đọc sách cho học sinh và kỹ năng học tập suốt đời. Đồng thời, có ý nghĩa nhân văn khi tạo ra môi trường học tập thân thiện cho học sinh, đóng góp đáng kể vào phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực cần được duy trì và nhân rộng.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc