Ấm lòng bếp lửa ngày Đông

09:55, 24/01/2021

BHG - Mùa Đông miền rừng lạnh, cái lạnh thấu xương nên cứ ra khỏi nhà là người miền rừng chúng tôi chỉ muốn nhanh chân về nhà để được ngồi bên bếp lửa ấm áp. Kiến trúc nhà sàn gỗ mái cọ giúp mát hơn vào mùa Hè nhưng cũng lạnh tê tái về mùa Đông, lạnh từ mái cọ xuống đến chân cột sát nền đất. Lạnh thế mà không có bếp lửa giữa nhà thì thật không cách nào chịu được. Bếp lửa ấy với người Tày chúng tôi là linh hồn của ngôi nhà, nơi nương náu cả bao thế hệ. Bếp lửa ấy bập bùng giúp gia đình từ người bé đến lớn ấm lòng mỗi mùa Đông sang.

Bếp lửa nhà sàn truyền thống của người Tày.
Bếp lửa nhà sàn truyền thống của người Tày.

Bất kỳ ngôi nhà sàn người Tày nào khi vừa dựng, kèo cột nên hình thì bếp lửa cũng được làm cùng lúc. Nơi được chọn làm bếp lửa là gian nhà quan trọng thứ hai, nằm chếch một vì cột với gian thờ tổ tiên. Khi cả bản giúp gia chủ lên vì kèo xong, vài tấm ván được rải lên để lấy chỗ đi lại và những thợ chính bắt đầu làm gian bếp lửa. Đất dùng để nện nền bếp là đất đỏ được chọn nơi thật tốt, từng xọt gánh về đổ vào khung gỗ lắp sẵn ở gian được chọn rồi nện càng chặt càng tốt. Tất cả phải khẩn trương nhưng tỉ mẩn, kỹ càng để kịp khi hai mái chính lợp xong, trời tối cả bản đến giúp được chủ nhà mời ăn bữa cơm đầu tiên trong ngôi nhà mới. Tất cả xong xuôi, những người già chuẩn bị cho chủ nhân ngôi nhà một bó củi, một bó đuốc cháy rực để làm lễ rước lửa vào nhà mới; chủ nhà nhóm lửa ở gian bếp đun một ấm nước sôi rồi mới bắt đầu bày biện cỗ để mọi người chúc tụng. Đêm ấy có uống say bao nhiêu, rượu có chảy mềm cả cột nhà, mềm cả mái cọ, chủ nhà và những người thân thiết vẫn phải canh sao cho bếp lửa cháy cả đêm. Rồi từ hôm ấy, bếp lửa nhà sàn sẽ cháy mãi không tắt, là nơi nấu nướng bữa cơm hàng ngày, nơi mọi người quây quần trò chuyện sau một ngày vất vả. Bếp lửa bây giờ là linh hồn, là nơi mọi người trong ngôi nhà ấy quây quần đầm ấm nhiều hơn bất kỳ nơi nào.

Bếp lửa là nơi tiếp khách thân tình của dân tộc Tày.
Bếp lửa là nơi tiếp khách thân tình của dân tộc Tày.

Những ngày chưa xa, khi điện lưới còn là thứ xa xỉ với miền rừng, với người Tày chúng tôi bếp lửa là niềm hạnh phúc, là ánh sáng mỗi khi mặt trời ấm áp lặn sau núi. Ngọn đèn dầu le lói chỉ đủ chiếu sáng một gian nhà, gặp cơn gió mùa lay lắt rồi tắt ngấm, lúc ấy không có bếp lửa các gian nhà sẽ chìm trong bóng tối giá lạnh. Tổ tiên chúng tôi ngoài để lại kiến trúc nhà sàn với cột cao chống thú dữ và mái cọ mát mẻ mùa Hè thì bếp lửa chính là “gia tài” lớn của cả tộc người. Không ngẫu nhiên mà bếp lửa được đặt trang trọng ở gian giữa nhà. Chỉ những người sống trong ngôi nhà sàn từ tấm bé mới thấm thía sự ban tặng mà bếp lửa mang đến. Cả năm bếp lửa không bao giờ tắt, khói bếp tỏa đều bốn phía mái cọ giúp cho dui, mè bằng tre, vầu và lá cọ không bị mối, mọt xông. Nhưng, nhất vẫn là mùa Đông miền rừng lạnh lắm, cảm giác chân trần đi trên mặt ván lúc bên ngoài trời dưới 10 độ thực sự khiến ai cũng tê buốt. Nhưng để giúp chủ nhân giữ ấm, bếp lửa “no” củi tỏa ra ánh sáng, hơi ấm từ giữa nhà ra đến vách ván ngăn giá lạnh xâm nhập vào bên trong. Cơn lạnh giá bị chặn ở phía ngoài vách nhà, gió mùa có rít cũng không thể làm bếp lửa yếu đi, sương giá len vào qua khe ván cũng chẳng thể làm tắt ngọn lửa. Giống như trái tim của ngôi nhà, bếp lửa sưởi ấm tất cả trái tim của từng thành viên trong gia đình. Bốn bên bếp lửa nhà tôi là 4 tấm ván tốt kê làm ghế, theo tháng năm 4 chiếc ghế thô mộc ấy sáng bóng. Cứ như một sự quy ước, 4 cái ghế ngang ấy, mỗi người ai cũng có chỗ của mình và cố định ngồi đó dù đến trước hay sau. Bà nội tôi, người già nhất nhà ngồi chiếc ghế ở gian trên nơi vẫn vần nồi cơm của gia đình, chiếc ghế bà ngồi bóng hơn những ghế khác. Nếu chín bậc cầu thang thay lời biểu hiện của lòng mến khách của người Tày thì bếp lửa là tâm tình của người Tày với khách. Từ xưa, người Tày tiếp khách bên bếp lửa, chủ khách trò chuyện, 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nơi tiếp khách ấm áp thân tình nhất còn chỗ nào bằng 4 bên bếp lửa. Một ấm chè được đặt sát chân kiềng để giữ nhiệt, những chén chè tỏa hương được rót ra khay rồi gia chủ đưa mời khách. Cuộc trò chuyện thân tình cứ thế râm ran bên tiếng ngọn lửa reo vui ở giữa ba chân kiềng cho đến khi khách về.

Với chúng tôi, bếp lửa là linh hồn, là nơi linh thiêng và gần gũi nhất, là nơi quây quần trò chuyện giải tỏa mọi khúc mắc, mệt mỏi sau mỗi ngày. Ở đó là sự ấm áp, là tình cảm thiêng liêng gắn kết của gia đình. Gần như những công việc quan trọng nhất của gia đình đều được bàn bạc và quyết định ở gian bếp bên ngọn lửa reo vui mỗi ngày. Ngày nay, những gia đình còn giữ bếp lửa trong nhà không còn nhiều, những ngôi nhà sàn được làm mới, sáng bóng hơn chuyển sang dùng bếp điện, bếp ga, không còn chỗ cho bếp lửa ám khói và bụi bặm. Tôi nghĩ, những gia đình sống trong ngôi nhà mới bóng loáng ấy về mùa Đông sẽ nhớ bếp lửa đến tê tái lòng.

Bài, ảnh: TRỌNG TOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần ký kết hợp tác với Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh

BHG - Chiều 23.1, UBND huyện Xín Mần tổ chức Lễ ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021 – 2025 với Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Những năm qua, Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh đã phối hợp với huyện Xín Mần tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ như:

24/01/2021
Ngọc Đường giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao

BHG - Xã hội phát triển, các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ, thách thức bị đồng hóa về văn hóa. Thế nhưng, với đồng bào Dao ở xã Ngọc Đường, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được bà con đặt lên hàng đầu, lưu giữ nhiều loại hình độc đáo, mang nét đặc trưng rất riêng biệt.

22/01/2021
Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

BHG - Tỉnh ta xác định phát triển du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) là giải pháp thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói", đưa vùng đất biên cương cực Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Vùng đất địa đầu Tổ quốc có nhiều di sản về địa chất, kiến trúc, danh lam thắng cảnh cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. 

21/01/2021
Một ngày tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân

BHG - Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân (Vị Xuyên) là ngôi trường có bề dày thành tích, nhiều năm liền được các cấp, ngành khen thưởng trong công tác giảng dạy và quản lý học sinh bán trú với các hoạt động học tập, giảng dạy linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nơi biên cương Tổ quốc.

21/01/2021
Linh kiện sửa bếp Các hãng Bàn lạnh Địa chỉ bán máy lọc nước ion kiềm giá tốt Lò hấp âm tủ đức chính hãngQuang Huy sản xuất thiết bị bếp công nghiệp giá rẻ