Nhọc nhằn "gieo chữ" ở Pờ Chừ Lủng
BHG - Pờ Chừ Lủng thuộc xã Ngam La (Yên Minh) là thôn có 100% người Mông sống trên núi với độ cao gần 2.000 m. Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để đến được đây, ngoài gần 1 giờ xe máy từ trung tâm xã tới thôn Sủng Hòa dưới chân núi, với những người đàn ông khỏe mạnh thạo đường cũng phải mất thêm 2 giờ đi bộ. Còn những cô giáo phụ trách ở điểm trường thôn Pờ Chừ Lủng phải mất khoảng hơn 3-4 giờ đi bộ băng qua những cánh rừng, những nương ngô, thung lũng. Thôn Pờ Chừ Lủng có 54 hộ dân thì có đến 52 hộ thuộc diện nghèo, 2 hộ cận nghèo.
Các thầy, cô giáo cắm bản “cuốc bộ” đến Pờ Chừ Lủng. |
Cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi có dịp đến Pờ Chừ Lủng cùng đoàn thiện nguyện đến từ Sài Gòn mang tên “Xe Bus yêu thương”. Thôn Pờ Chừ Lủng được chia làm 3 cụm dân cư mỗi tổ cụm nhau từ 2-3 giờ đi bộ. Hiện toàn thôn có 63 học sinh (HS) trong lứa tuổi từ mẫu giáo đến lớp 2, học ở 2 điểm trường đặt ở 2 tổ của thôn. Ở tổ 1 có 1 lớp Tiểu học gồm 10 HS lớp 1 và lớp 2 do thầy Phàn A Nhồn phụ trách; tổ 2 đặt điểm trường liên cấp gồm 1 lớp tiểu học với 11 HS lớp 1 và 2 do cô Nguyễn Thị Thanh Thủy phụ trách. Số còn lại là 2 lớp Mầm non với 42 HS do 2 cô giáo Hoàng Thị Luy và Mùng Thị Tra phụ trách.
Cô Mùng Thị Tra và học sinh Pờ Chừ Lủng. |
Điểm trường Mầm non tại tổ 2 được thành lập từ năm 2012, trước đây HS Tiểu học của 3 tổ tập trung học tại điểm trường tổ 1, tuy nhiên do đường di chuyển khó khăn, xa xôi nên nhà trường đã xin dựng thêm 1 lớp Tiểu học mới tại tổ 2. Vào mùa khô và những hôm thời tiết thuận lợi, các em đến lớp tương đối đầy đủ. Nhưng vào mùa Đông, sương mù phủ kín rừng, khắp núi, số học sinh Mầm non, đặc biệt là từ tổ 3 xuống học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các em đến được lớp cũng run lẩy bẩy vì quần áo không đủ ấm. Những ngày như thế, các cô phải đốt củi sưởi ấm cho trò và kèm các em ngay cạnh đống lửa vì hầu hết bàn ghế, bảng đen đều thấm nước không viết nổi. “Nguồn nước sinh hoạt tại đây hoàn toàn là nước mưa. Điện lưới Quốc gia chưa có; không sóng điện thoại, cuộc sống ở đây gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Gia đình có việc cấp bách cũng phải đến cuối tuần xuống núi hoặc có dân bản vào báo tin mới biết”, cô Hoàng Thị Luy chia sẻ.
Cô giáo Mùng Thị Tra tâm sự: “Giáo viên ở đây ngoài truyền đạt kiến thức cho các em, ngày nào cũng như ngày nào, mỗi chiều tan lớp, các thầy, cô chia ra mỗi người một việc. Người kiếm củi nấu cơm, người quét dọn lớp học và sân chơi. Được cái thuận lợi là từ năm 2016, người dân Pờ Chừ Lủng đã họp bàn phương án góp tiền để mua dây kéo điện từ dưới chân núi lên. Nhờ đó mà giáo viên cũng có điện thắp sáng; năm 2018 thì được nhà hảo tâm ở Sài Gòn và thành phố Đà Nẵng thông qua sự kết nối của Báo Thanh Niên hỗ trợ được nhà lớp học khang trang và 1 chiếc tivi để cập nhật tin tức nên cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà”.
Nhờ sự tâm huyết, tận tụy của thầy, cô giáo nên HS nơi đây rất chịu khó đến lớp, phụ huynh cũng quan tâm đến việc học của con, em mình hơn. Họ tự nguyện đóng góp vật liệu và công lao động để dựng nhà lớp học cho cô và trò, dựng phòng ở cho giáo viên. Quãng đường các em di chuyển từ nhà đến điểm trường khá xa, nên nhiều khi các em không thể ngồi đúng lớp và học đúng chương trình. Tận mắt chứng kiến những hình ảnh này, khiến cho bất cứ ai chứng kiến cũng phải xót xa cho những đứa trẻ độ tuổi tới trường, xót xa cho hành trình đến với kiến thức của các em thật gian nan, vất vả.
Chỉ khi những ai đã đặt chân tới lưng chừng núi, nơi bốn mùa mây trắng bao phủ ở vùng cao xa xôi này và được tiếp xúc với những thầy, cô giáo ngày đêm âm thầm cống hiến tuổi thanh xuân mới thấu hiểu thế nào là sự dấn thân của những người làm công tác giáo dục nơi đây. Họ đã vượt lên những khó khăn vất vả, thiếu thốn, miệt mài bám bản, bám điểm trường để gieo chữ. Ở những nơi như thế, không chỉ con chữ, kiến thức được trao, mà ước mơ một tương lai tươi sáng cho biết bao trẻ em dân tộc thiểu số cũng được mở ra và từng bước hiện hữu. Họ là những giáo viên cắm bản, vượt qua những khó khăn thiếu thốn để gieo chữ ươm mầm nơi vùng cao.
Bài, ảnh: HỒNG CỪ
Ý kiến bạn đọc